Dân Việt

Mô hình phát triển do cộng đồng làm chủ: “Trao cần câu, không trao cá”

Lê San 17/06/2016 06:15 GMT+7
Đây là một cách tiếp cận mới trong việc xoá đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người DTTS sinh sống và đang được triển khai tại một số vùng miền núi. Thực tế cho thấy, mô hình phát triển do cộng đồng làm chủ (CDD) đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội nhiều thôn bản.

Phụ nữ được trao quyền

Tại cửa hàng trưng bày và bán hàng thổ cẩm của câu lạc bộ (CLB) Thổ cẩm ở thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai), chị Thào Thị Khư đang giới thiệu các mặt hàng của mình với một nhóm khách nước ngoài. Nhờ nói được tiếng Anh và cách trò chuyện cởi mở, chị đã bán được nhiều túi.

img

Các chị em ở xã Lao Chải giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tới du khách. Ảnh: L.S 

Từ ngày 14 – 17.6, WB đã tổ chức Hội nghị khu vực châu Á lần thứ ba về mô hình phát triển do cộng đồng làm chủ (CDD) với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm - Tìm hiểu kiến thức sâu sắc hơn”. Mục tiêu là thúc đẩy đối thoại và xây dựng dựa trên những trao đổi giữa các bên tham gia vào hoạt động phát triển quốc tế, bao gồm các quan chức chính phủ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu, hiện đang hoạt động trong các chương trình CDD tại 14 quốc gia thuộc Đông Á, các đảo trên  Thái Bình Dương và Nam Á.

Chị Khư chia sẻ: “Khi chưa có CLB, bà, mẹ tôi và các chị em trong xã vẫn tụ tập nhau thêu thùa lúc nông nhàn. Làm xong cái nào, mang ra chợ bán cái đấy. Nhưng có khi cả tháng mới làm ra một sản phẩm, chẳng được bao nhiêu tiền. Năm 2013, có thông tin được hỗ trợ để thành lập CLB thổ cẩm, ai cũng vui mừng vì rất phù hợp với nguyện vọng của mình”.

CLB thổ cẩm của chị Khư được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ hơn 50 triệu đồng để mua 10 chiếc máy khâu, 20 cái ghế, 10 triệu đồng để mua vải, tơ chỉ thêu. CLB có cửa hàng trưng bày và bán các mặt hàng thổ cẩm. Tại cửa hàng, vài chị em được phân lịch để giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách. Các chị em khác được chia chỉ và vải để mang về nhà thêu. Các sản phẩm được hoàn thiện bằng máy khâu ngay tại cửa hàng thì do những người có kỹ thuật may tốt đảm nhận. CLB có đề ra quy chế hoạt động, sinh hoạt thường kỳ và phân chia lợi nhuận theo sức lao động.

Chị Thào Thị Dua – Trưởng CLB Thổ cẩm thôn Lý Lao Chải chia sẻ: “So với cách làm tự phát lúc trước, hình thức tổ chức như thế này hiệu quả hơn nhiều. Tính trung bình, mỗi thành viên thu nhập 700–800 nghìn đồng/tháng. Các chị em được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, nhờ đó cởi mở, tự tin vào bản thân hơn. 100% chị em trong CLB đều có thể nói tiếng Anh để bán hàng. Có người thậm chí nói tiếng Anh còn thông thạo hơn tiếng Việt. Vui nhất là nhóm có quỹ 2 triệu đồng từ nguồn bán hàng để chị em thăm hỏi, động viên nhau mỗi khi ốm đau”.

Người dân được tự quyết

Với xã Tả Phìn (huyện Sa Pa), mô hình phát triển do cộng đồng làm chủ cũng tạo ra được nhiều thay đổi trong cách triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Ông Đỗ Minh Trí - Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho hay: “Các dự án được xây dựng trên địa bàn xã, người dân đều được tham gia thực hiện từ A – Z: chọn dự án, lập kế hoạch, thi công, đưa vào sử dụng, bảo trì… Nhờ đó mà tạo được tinh  thần trách nhiệm của người dân trong hoạt động tổ nhóm, xóa bỏ tập quán sản xuất tự phát, thay đổi cách tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh theo định hướng thị trường”.

Cũng theo ông Trí, người dân còn học được cách phát triển các dự án, áp dụng nó vào việc nâng cao thu nhập gia đình. Trong đó, phải kể đến thành công của dự án biến Tả Phìn trở thành vùng trồng địa lan lớn nhất huyện Sa Pa. Cụ thể, từ 3.937 chậu lan ban đầu do dự án tài trợ, hiện số chậu lan đã tăng lên 25.000 chậu, với 91% người dân trong xã đã tham gia trồng địa lan. Năm 2015, hoa địa lan mang về cho xã thu nhập 7 tỷ đồng.

Ông Sean Bradley – chuyên gia của WB, đồng chủ nhiệm Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cho biết, WB cũng đã hỗ trợ nguồn vốn cho rất nhiều quốc gia khó khăn trên thế giới để thực hiện mô hình CDD này. Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều thành công, xong, thời gian tới vẫn cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành, triển khai từ dưới lên, theo nhu cầu của người dân.