Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ: “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là Họa sĩ đặc biệt xuất sắc của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông đi đến tận cùng của truyền thống văn hóa kết hợp với hiện đại. Quan điểm sáng tác của ông được thể hiện rõ nét nhất qua các tác phẩm: Gióng, Điệu múa cổ và 12 con giáp. Ông là một cá tính sáng tạo rất độc đáo, rất xuất sắc trong ngôn ngữ tạo hình.
Hình và nét của ông đã đạt đến đỉnh cao của sáng tạo, kết hợp giữ truyền thống và hiện đại. Tác phẩm tranh sơn mài của ông là những kiệt tác của mỹ thuật Việt Nam. Ông là một cá tính sáng tạo có ảnh hưởng lớn đến nền mỹ thuật Việt Nam. Ông đã rất xứng đáng khi được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên.
Cục trưởng Vi Kiến Thành. Anhe: Cinet.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có nhiều tác phẩm xuất sắc lắm. Thời kỳ trước có các tranh về đề tài: Con nghé quả thực, đấu tranh chống thuế, đêm Hồ Gươm… Sau này là một loạt tác phẩm gây tiếng vang. Danh họa vẽ theo kiểu, mỗi đề tài là một serie tác phẩm. Một serie về Gióng, một serie về điệu múa cổ… Tác phẩm của danh họa rất nhiều. Cái điển hình và xuất sắc nhất của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là đưa ra một giải pháp tạo hình độc đáo. Các tác phẩm đều phản ánh đúng quan điểm sáng tác xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động mỹ thuật đó là người nghệ sĩ khi đi đến tận cùng văn hóa truyền thống thì sẽ gặp hiện đại. Ông đã triển khai quan điểm đó trong tất cả các tác phẩm của mình và người ta xem tác phẩm đã thấy được những điều ông nói.
Ngoài đời, ông là người hiền hoà, khiêm nhường và sống ẩn dật. Ông đã dành hết cuộc đời, tâm trí và sức khỏe để sáng tạo nghệ thuật. Ông dành hết mọi sự quan tâm cho nghệ thuật”.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một danh họa lớn, cây đại thụ của nền Mỹ thuật Cách mạng, hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm có nguồn cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian Việt Nam đồng thời có nhiều sáng tạo tìm tòi mới có cá tính độc đáo với phong cách nghệ thuật hiện đại. Nhiều tác phẩm sơn mài của ông có giá trị nghệ thuật cao, ông là nghệ sĩ có tên tuổi trong nước và nhiều nước trên thế giới.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương. Ảnh: TKC.
Ông đã kế thừa được nghệ thuật Việt Nam cổ kết hợp với hiện đại để tạo ra được ngôn ngữ riêng, phong cách riêng. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm của danh họa tập trung chính vào hai chất liệu là sơn mài và giấy gió. Ông có hai giai đoạn sáng tác để lại nhiều dấu ấn. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông sáng tác nhiều tranh sơn mài, những đề tài về cải cách ruộng đất, về đấu tranh chống thuế… Sau đó ông lại chuyển sang đề tài có tính chất truyền thống như: Gióng, Kiều, điệu múa cổ. Cuộc đời ông dành hết cho nghệ thuật.
Nổi tiếng nhất trong gia tài hội họa của ông là: Gióng, Kiều, điệu múa cổ… và các tranh về đề tài: Con nghé quả thực, chống thuế, thời chống Pháp thì khắc gỗ.
Ông là người sống khiêm tốn, bình dị nhưng lại rất thông thái, hiểu biết nhiều về văn hóa phương Đông, hiểu biết nhiều về phong thuỷ. Tranh ông sử dụng màu sắc rất khác biệt. Màu sắc trong tranh ông không chỉ là màu sắc mà còn mang ý nghĩa phong thuỷ. Màu đỏ phối với màu xanh là để mang ý nghĩa gì, màu trắng với màu đen mang ý nghĩa gì. Ông rất sâu sắc về điều này vì sinh trưởng trong gia đình nhà Nho truyền thống của xứ Nghệ. Những điều về học thuật phương Đông ông nắm rất vững.
Ông cũng là người sống giản dị, kiệm lời, được anh em yêu quý vì ông luôn tôn trọng mọi người. Ông tôn trọng những người cùng khoá, cùng lứa cho đến tôn trọng những người đi sau mình. Tóm lại, ông không những tài năng mà còn là người đức độ”.
Hoạ sĩ Đặng Tiến (Pháp) cho rằng: “Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương, tạo nên bản sắc riêng. Đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn, hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn gợi lên được khí hậu tín ngưỡng dân tộc - và các nền văn hóa lân cận Đông nam Á.
Tác phẩm "Điệu múa cổ" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: TKC.
Tôi cảm nhận thấy ở danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, tâm linh có khuynh hướng thần bí, rung cảm như bị cuốn hút vào cõi u linh. Do đó nhìn toàn bộ, nghệ thuật ông hướng theo thi pháp huyền nhiệm (poétique mystique). Và từng tác phẩm một thỉnh thoảng truyền đạt một cảm xúc thần bí. Người không nắm bắt được xúc cảm này, cho rằng ông cầu kỳ hay lập dị. Nhưng ta có thể hiểu chất dân tộc trong nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm không phải là một dụng tâm bảo vệ truyền thống trong ý chí bảo thủ mà là một nhu cầu siêu linh, từ tiềm thức chuyển lên ý thức và thể hiện, hóa thân, thành nghệ thuật. Chất dân tộc không phải là hoài niệm, mà là khai phóng và dự phóng, là siêu hình hiển linh thành hình khối, một “truyền kỳ họa lục”; có vậy mới hóa giải được mâu thuẫn trong tranh ông: chất cổ truyền trong nét hiện đại, chất dân tộc và tầm thế giới.
Tranh ông mang tính cách bản địa nhưng không phải là “sắc màu viễn xứ” (exotisme), ngược lại khá gần trường phái Siêu thực Âu Châu, và tác phẩm lừng danh của Chagall, Miro, thậm chí một số tranh Picasso mà ông hằng ưa thích. Tranh “Lục thập hoa giáp” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm không giống tranh Tết hiện hành của nhiều đồng nghiệp Việt Nam mà lại gần với những “thú vật đồ” (bestiaire) trong truyền thống phương Tây mà các họa sĩ hiện đại trên thế giới thường vẽ lại. Sự trùng hợp là do niềm đồng cảm thẩm mỹ chung cho một thời đại chứ không phải là sao chép lẫn nhau”.