Với riêng tôi, tính cả năm 2014, đã trên dưới 4 lần ra Hoàng Sa, được sống, lênh đênh, ăn những bữa cơm chan đầy nước biển cùng ngư dân, đủ để cảm nhận sự can trường dũng cảm của những cột mốc chủ quyền trên Biển Đông.
Truyền bài qua ICOM
Đó là ngày 11.5.2015, trời tối đen như mực, cầu cảng Đà Nẵng lập lòe ánh điện, những chiếc tàu cá của biên đội tàu xa bờ Đà Nẵng chộn rộn ra khơi. Đây là chuyến biển đặc biệt nhất trong cuộc đời ngư phủ của họ- trực chỉ Hoàng Sa, thả lưới ngay “tọa độ nóng” giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép để khẳng định cho Trung Quốc và quốc tế thấy rõ điều đã trở thành chân lý: Ngư trường Hoàng Sa là của Việt Nam.
“Chú Tám” thắp hương trước giờ xuất bến ra Hoàng Sa. ảnh: Nam Cường
Tôi may mắn được đi trên tàu của vị thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm Nguyễn Văn Còn B (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), người được anh em thuyền viên gọi thân thương là “chú Tám”. Con tàu ĐNa 90039 của ông Còn B sau gần 1 ngày 1 đêm đạp sóng trực chỉ Hoàng Sa, cuối cùng đã thấy giàn khoan phi pháp mờ ảo từ đằng xa. Sóng cấp 4 – 5, tàu ĐNa 90039 dưới sự điều khiển lão luyện của chú Tám vẫn tròng trành, có lúc chao nghiêng, tưởng chừng như bị nhấn chìm trong sóng, may mắn là tôi vẫn không say. Ngay buổi sáng đầu tiên đến vùng biển “nóng”, chúng tôi đã đụng độ với đội tàu Trung Quốc. Xong bữa sáng chóng vánh trên sóng biển với món mì tôm, tàu chúng tôi ngay lập tức đã bị bao vây bởi hàng loạt “trâu đen”, “trâu xanh” - chỉ những tàu vỏ sắt màu ghi, tàu hải giám, hải cảnh… Với chiến thuật kiểu “xa luân chiến”, các tàu Trung Quốc cắt đầu, cắt đuôi và thường xuyên tạo ra những cú va chạm ác ý. “Đó là cách để họ luôn có được “bằng chứng” chống lại chúng ta. Mặc dù sự thật không phải như vậy. Quan trọng nhất là sợ nó cài bẫy tạo tình huống. Nó đã tạo được tình huống để tàu mình điều khiển lỡ trớn, lao vào tàu nó là ngay lập tức bị quay phim chụp hình. Rồi sau đó, họ sẽ trưng ra bằng chứng rằng tàu cá mình gây hấn” - ông Còn B phân tích.
30 phút, đọc từng chữ một qua tổng đài cho người ở tòa soạn gõ, đúng lúc kết thúc cũng là chiếc đèn pha sáng nhất rọi thẳng vào cabin, một tàu Trung Quốc đã ở sát bên cạnh. Chú Tám hô: Vọt! Tức thì máy trưởng Nguyễn Xuân Trường vào số rồ ga, lách ĐNa 90039 vào giữa, thoát ra ngoài. Đây có lẽ là lần gửi tin bài về tòa soạn hi hữu nhất trong cuộc đời làm báo, giữa Hoàng Sa đêm đen. |
Máy trưởng Nguyễn Xuân Trường - người có 28 năm bám Hoàng Sa, đụng độ không biết bao lần với tàu Trung Quốc, lắc đầu ngán ngẩm: Thế là chuyến biển này toi rồi. Họ cứ hành xử kiểu đó, không cách gì chúng ta thả lưới được. Những tay lưới nặng nghìn cân, nếu muốn thả rồi kéo lên, mất gần một ngày. Tàu Trung Quốc kéo đến, chỉ còn cách vứt đi...
Sang ngày thứ 2, sự khốc liệt được tăng dần. Và đó cũng là lúc những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm như chú Tám, anh Chiến, Lê Dũng, Nguyễn Đình Sinh… bộc lộ hết can trường và bản lĩnh của những “cột mốc sống” giữa trùng khơi. Trọn 10 ngày, cứ 1 ngày 3 lần, ngư dân tìm cách tiến tới giàn khoan để đánh bắt, để khẳng định chủ quyền biển đảo, là những lần thần kinh của tôi căng ra như dây đàn. Nhưng dẫu thế nào thì những hình ảnh, tin tức vẫn phải truyền về tòa soạn.
Đêm thứ 2 ở Hoàng Sa, hình ảnh, tin tức về những trận đụng độ nảy lửa đầy ắp trong máy tính. Giữa Hoàng Sa mênh mông trời nước, truyền về bằng cách nào? ICOM chính là chiếc “phao” cứu sinh của tôi. Gần 21 giờ đêm 13.5.2014, biển đêm đen kịt, từng ánh đèn pha xé tung màn đêm, tiếng còi hụ rền rĩ cả một vùng đại dương. Tàu ĐNa 90039 lọt thỏm trong vòng vây của những “trâu đen”, “trâu xanh”. Lúc này, tôi đang truyền dở bài viết về tòa soạn qua ICOM. Tàu không tắt máy, nhưng chú Tám yêu cầu hoặc đứng yên, hoặc chạy thật chậm. Một tình huống quá nguy hiểm. Biển đêm, tàu cô độc giữa vòng vây, nhỡ đâu chỉ cần một cú va chạm… 30 phút, đọc từng chữ một qua tổng đài cho người ở tòa soạn gõ, đúng lúc kết thúc cũng là chiếc đèn pha sáng nhất rọi thẳng vào cabin, một tàu Trung Quốc đã ở sát bên cạnh. Chú Tám hô: Vọt! Tức thì máy trưởng Nguyễn Xuân Trường vào số rồ ga, lách ĐNa 90039 vào giữa, thoát ra ngoài. Đây có lẽ là lần gửi tin bài về tòa soạn hi hữu nhất trong cuộc đời làm báo, giữa Hoàng Sa đêm đen.
KN 761 – đi giữa lằn sinh tử
Rời tàu ĐNa 90039, chúng tôi được “tăng bo” sang tàu kiểm ngư KN 761 vì lý do “đảm bảo an toàn” cho phóng viên. 3 ngày ở trên KN 761, với hàng chục lần chứng kiến anh em kiểm ngư vào ra trong lằn ranh sinh tử, giữa những “vòi rồng” chực chờ “tấn công”. Không ai nao núng!
Những giây phút căng thẳng của thuyền trưởng và thuyền viên KN 761 khi đối mặt tàu hải giám. ảnh: Nam Cường
Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hải kể, giống như lực lượng chấp pháp khác là cảnh sát biển và các tàu kiểm ngư còn lại, mỗi ngày bình thường trong những thời khác căng thẳng của KN 761 là 2 “hiệp đấu” sinh tử với hàng chục tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc đang ngang ngược bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Theo anh Hải, trong những ngày đầu, tàu CSB 4033 là một trong những “cái gai” bị phía Trung Quốc “chăm sóc” đặc biệt nhất. Trung Quốc luôn xem 4033 là sự khó chịu, bởi thế, họ tìm mọi cách và điều các tàu lớn nhỏ quyết tâm húc, va bằng được tàu này. Giai đoạn sau, khi 4033 cùng nhiều tàu kiểm ngư khác bị thương mà KN 761 vẫn chưa hề hấn gì, phía Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện quyết tâm triệt hạ bằng được KN 761. Mặc dù vậy, trong những thời khắc nguy hiểm nhất, chúng tôi vẫn lách và hóa giải được mọi tình huống. Cho đến lúc này, KN 761 vẫn chưa hề hấn gì ngoài việc thường xuyên được… tắm mát bằng vòi rồng”.
Anh Nguyễn Văn Hùng (quê Hà Tĩnh, máy trưởng), kể, đỉnh điểm nhất của sự vây ráp, triệt hại KN 761 chính là ngày 13.5. Khi KN 761 cách giàn khoan khoảng 5 hải lý, tàu số hiệu 35101 của Trung Quốc cùng các tàu khác quây KN 761 vào giữa, sau đó đồng loạt xịt vòi rồng thẳng vào mạn, cabin. Tuy nhiên, do đã có đề phòng, anh em tàu KN 761 vẫn khôn khéo tránh được va chạm. “Một tàu có số hiệu 2337 mấy lần lao tới, quyết tâm tạo vết thương, hăm dọa KN 761 nhưng không thành. Cũng tàu này trong các ngày sau luôn sẵn sàng tạo mọi tình huống, áp sát để đưa KN 761 vào bẫy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ vẫn chưa đạt được mục đích” – anh Hùng kể.
Quả thật, 72 giờ trên KN 761 đối với tôi là những giây phút thực sự căng thẳng nhất của cuộc đời. Ngoại trừ mỗi ngày “2 hiệp đấu” sáng và chiều, anh kiểm ngư trên KN 761 luôn phải cảnh giác cao độ bởi đây chính là con tàu kiểm ngư duy nhất vẫn chưa bị tổn thương. “Đó là một thất bại của các tàu Trung Quốc, họ muốn tạo tâm lý khủng hoảng tinh thần cho anh em, nhưng đời nào” – thuyền trưởng Hải tự tin. 3 ngày ở trên thuyền, tôi mới cảm hết được những pha xử lý tuyệt vời, đầy quyết đoán của kiểm ngư KN 761. Có những lúc, tưởng chừng như tàu đã bị 2337 “đớp gọn”, nhưng những pha bứt tốc, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của KN 765 khiến các “hung thần” hải cảnh Trung Quốc luôn chưng hửng.
“Anh để ý mà xem, mỗi khi KN 761 thả trôi, luôn có 2 – 3 tàu hải cảnh, “trâu đỏ” Trung Quốc nằm với khoảng cách rất gần. Hễ mình đi là họ bám theo. Họ đang chờ thời cơ đấy. Bởi thế, chưa lúc nào chúng tôi lơ là. Đặc biệt vào ban đêm. Anh em trên tàu luôn phân công trực 24/24” – anh Hải thổ lộ.
“Kéo” Hoàng Sa về gần đất liền
Bên hành lang cuộc họp HĐND TP.Đà Nẵng cuối năm 2015, ngay trước phần phát biểu ý kiến, chất vấn, đại biểu Nguyễn Đăng Hải tiết lộ: Sẽ có ý kiến về việc “kéo” Hoàng Sa về gần với đất liền bằng cách tách phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhập vào huyện Hoàng Sa để địa danh này có đất, có dân, có bản đồ hành chính… “Hoàng Sa trên thực tế đang bị chiếm đóng, và cuộc chiến đòi lại đảo rất dài và cam go. Tại sao chúng ta không đi trước một bước, hiện thực hóa điều đó. Cái này cũng đã có tiền lệ rồi”.
Một trong những người ủng hộ tuyệt đối ý tưởng này là ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch huyện Hoàng Sa (nay đã nghỉ hưu).
Tôi kể cho ông Ngữ nghe về những ngày hè rực lửa năm 2014, ông trầm ngâm: Tiếc là điều kiện không cho phép tôi ra Hoàng Sa, tôi vô cùng bứt rứt trong lòng. Là Chủ tịch huyện nhưng lại không được đặt chân lên mảnh đất mình cai quản. Dẫu sao thì hàng trăm năm nay, Hoàng Sa trong tâm thức người Việt và bạn bè thế giới, luôn thuộc về Việt Nam... /.