Cơ hội đổi đời
Trước khi EURO 2016 khởi tranh, đã có hàng loạt cuộc chuyển nhượng bom tấn được dự báo có thể xảy ra như Ibrahimovic tới Manchester United, Vardy sang Arsenal, Pogba khoác áo Real Madrid hoặc Morata gia nhập Manchester United... Nhưng đấy là những cầu thủ đã thành danh và câu lạc bộ mà họ đã hoặc đang thi đấu cũng rất có tiếng. Có chuyển nhượng hay không, các siêu sao này vẫn có mức thu nhập cao ngất trời và được vô số đội bóng nổi tiếng mời chào. Với những cầu thủ còn vô danh, đang thi đấu ở các giải vô địch quốc gia hạng trung bình trở xuống, EURO 2016 có thể là cơ hội đổi đời thực sự với họ. Cách tốt nhất và duy nhất với các cầu thủ dạng này là chơi thật ấn tượng, tự biến mình thành người nổi bật để lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển trạch.
EURO 2016 là cơ hội đổi đời với những cầu thủ như Robson Kanu. Ảnh: Sportal
Breel Embolo hiện được coi là thần đồng của bóng đá Thụy Sĩ với biệt danh “Samuel Eto’o mới” (do sinh ra tại Cameroon). Mới 19 tuổi, nhưng anh đã đá 10 trận cho đội tuyển quốc gia. Ở EURO 2016, Embolo là gương mặt rất được chú ý, là mục tiêu theo đuổi của Juventus, Tottenham, Schalke hay Arsenal. |
Trái bóng Beau Jeu chưa lăn, chẳng ai biết Stancu (Romania) là ai. Cầu thủ này chỉ đang chơi bóng ở Genclerbiligi của Thổ Nhĩ Kỳ và nhận mức lương khoảng 40.000 euro/tháng, chưa bằng 1/3 tuần lương của Messi hay Ronaldo. Nhưng trong trận ra quân gặp Pháp, dù đội nhà thất bại, Stancu vẫn để lại dấu ấn đậm nét bằng 1 bàn thắng và rất nhiều tình huống bứt phá, xử lý bóng sáng tạo. Nếu tiếp tục duy trì được phong độ này, Stancu hoàn toàn có thể thỏa được ước mơ “một ngày nào đó sẽ chơi bóng tại Tây Ban Nha”.
Tương tự như vậy là Robson Kanu, người đã chơi bóng tại Anh gần 10 năm, nhưng mới có duy nhất 1 mùa đá ở giải ngoại hạng. Khát vọng của cầu thủ chạy cánh người Xứ Wales là được khoác áo một câu lạc bộ tiếng tăm nào đó. Với bàn thắng ấn định tỉ số ở trận gặp Slovakia, Kanu đang có cơ hội để biến giấc mơ thành hiện thực.
Ngoài 2 cái tên kể trên, hàng loạt cầu thủ chưa mấy tiếng tăm như Lenjani (Albania), Sigurdsson (Iceland), Nemeth (Hungary), Grigg (Bắc Ireland)… cũng coi EURO là dịp tốt để họ tự “chào hàng”. Một trận đấu thăng hoa ở EURO có thể hiệu quả hơn cả 1 mùa giải tưng bừng trước đó bởi các giải vô địch quốc gia mà những cầu thủ này đang chơi không tạo nhiều chú ý. “Tôi muốn được thi đấu ở Bundesliga và EURO 2016 sẽ là cơ hội để tôi làm điều đó” – tiền vệ Peszko của Ba Lan (hiện chơi cho Lechia ở Ba Lan) đã nêu quyết tâm.
Tìm “ngọc trong đá”
EURO 2016 là cơ hội đổi đời với rất nhiều cầu thủ, đồng thời cũng là dịp để các câu lạc bộ châu Âu mua được ngôi sao tiềm năng với giá rẻ. Chính vì vậy, vào mùa EURO, rất nhiều tuyển trạch viên đã tới Pháp. Họ chẳng cổ vũ đội tuyển nào mà đơn giản chỉ là theo dõi các trận đấu để “săn đầu người”.
Huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsenal vốn rất thích những cầu thủ thuộc diện “ngọc trong đá” vốn vừa có tài vừa có giá cả phải chăng. Sau khi đã mua Granit Xhaka, ông Wenger đã cử cộng sự tới EURO để tìm mua cầu thủ giá rẻ. Một khi đã phát hiện và chiêu mộ thành công các cầu thủ này rồi đánh bóng tên tuổi, chẳng riêng Arsenal mà bất cứ đội bóng nào thực hiện thành công sẽ thu về khoản tiền chuyển nhượng cao gấp nhiều lần số tiền chi ra ban đầu.
Jorge Mendes, Mino Raiola, Jonathan Barnett, Volker Struth, Jose Otin… vốn chẳng phải những siêu sao bóng đá, nhưng họ lại là những người rất có ảnh hưởng trong thế giới bóng đá. Những tay môi giới được gọi là “siêu cò” này hẳn không thể bỏ qua cơ hội làm ăn tại EURO 2016. 51 trận đấu với sự xuất hiện của hàng trăm cầu thủ chính là dịp tốt để các tay cò này chứng tỏ con mắt nhìn người. Chỉ cần phát hiện và giới thiệu thành công một cầu thủ nào đó, những tay môi giới đại tài này sẽ ngay lập tức bỏ túi khoản hoa hồng không nhỏ. Rồi nếu thuyết phục thành công để trở thành người đại diện của cầu thủ, họ cũng sẽ phát tài nhanh chóng.