Sinh viên - người lính
Nói “học viết văn” thực ra chương trình đào tạo của trường khá nhẹ nhàng và thoải mái. Theo lịch học, chúng tôi lên hội trường nghe các nhà văn lão thành nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Tô Hoài, Nguyên Hồng… giới thiệu kinh nghiệm tiếp cận thực tế, kỹ năng ghi chép tư liệu, tích lũy vốn sống và xây dựng tác phẩm. Ngoài ra, các nhà văn, nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Liên Nam…vừa từ các chiến trường ác liệt trở về đến kể chuyện những ngày sống, chiến đấu và sáng tác trong những hoàn cảnh, điều kiện của bom đạn, thiếu thốn vật chất.
Tác giả (bìa phải) cùng một số cán bộ tại căn cứ Đảng ủy xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh,
khu Sài Gòn - Gia Định năm 1973. Ảnh: T.L
Không những thế, chúng tôi còn được Hội nhà tổ chức đưa lên Cao Bằng thăm khu di tích lịch sử hang Pắc Bó, đi Quảng Ninh thăm vùng than, vịnh Hạ Long, gốm sứ Móng Cái hoặc đi thực tế giao lưu với những người con miền Nam bị thương tật đang an dưỡng và chữa bệnh tại Kim Bảng (Hà Nam), Bệnh viện E ở Cầu Giấy.
Thời gian học chưa đầy 5 tháng chúng tôi tiếp tục được đưa lên Trường 105 của Ban Tổ chức T.Ư ở Xuân Mai (Hoà Bình) rèn như rèn một anh lính mới nhập ngũ. Hàng ngày phải dậy từ 4 giờ rưỡi để tập leo núi, trên vai mang ba lô chất từ 20 – 30 viên gạch (tương đương 20 - 30kg). Sau hai giờ leo núi mới về ăn sáng, sau đó tiếp tục học các môn liên quan tới người lính chiến trường.
Những cây bút đến với chiến trường
Cuối mùa xuân 1971, ngay khi mặt trận đường 9 – Nam Lào vừa kết thúc thắng lợi (Chiến dịch Lam Sơn 719), ngày 15.4.1971 từ Xuân Mai, chúng tôi được đưa lên xe ca chở thẳng về sân ga Hàng Cỏ, lên tàu hỏa tạm biệt thủ đô Hà Nội làm cuộc hành trình trực chỉ phương Nam. Sau hơn một tháng hành quân qua đường 9 – Nam Lào, sang Tây Trường Sơn, khi đến ngã ba biên giới thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, các bạn Vũ Thị Hồng (vợ nhà văn Chu Lai), Bùi Thị Chiến, Nguyễn Hồng, Nguyễn Bảo, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Xuân Đông, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài, Nguyễn Thế Khoa, Trần Trung Kiên, Ngô Quy Nhơn, Bùi Thị Chiến… rẽ xuống chiến trường Tây Nguyên và duyên hải miền Trung (khu V).
Số còn lại tiếp tục hành quân vào Trung ương Cục (B.2). Riêng chúng tôi: Phan Xuân Biên, Khuynh Diệp, Hà Công Tài, Hà Phương (Đỗ Thị Thanh), Phan An, Trần Thị Thắng, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Văn Sơn sau khi điều trị sốt rét ở bệnh viện Liên cơ lần lượt được Ban tổ chức Trung ương Cục điều về chiến trường Sài Gòn – Gia Định (I.4) lần lượt được phân công công tác tại các bộ phận của Khu uỷ. Khuynh Diệp, Hà Công Tài về văn phòng Khu ủy, Đỗ Thị Thanh về ban phụ vận, Trần Thị Thắng ở ban tổ chức, Phan Xuân Biên sang Bộ tư lệnh thành đội, Nguyễn Khắc Thuần, Phan An, Nguyễn Văn Sơn công tác ở tiểu ban văn nghệ.
Ngay sau khi Hiệp định Paris ký kết (27.1.1973), hầu hết các bạn trong chúng tôi được chuyển về công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định nơi có các nhà thơ Rum Bảo Việt (Sáu Chiến), Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương phụ trách. Riêng tôi (Khuynh Diệp) và Hà Công Tài tiếp tục làm việc tại văn phòng Khu uỷ.
Từ nghề báo, nhiều người còn trở thành nhà văn, chất liệu của tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn cuộc sống mà họ có được từ quá trình tác nghiệp nhà báo. Điểm xuất phát của nghề báo chúng tôi chính là được thử lửa của một thời sống và công tác ở các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Sống chết với nghề
Hồi đó trong chúng tôi không ai dám nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn, nhà báo, nói chi mơ học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ. Cái giúp chúng tôi đến với báo chí và sống chết với nghề tận hôm nay chính là sự lăn lộn với chiến trường và biết vượt qua mọi gian khổ. Các bạn công tác tại Tây Nguyên – duyên hải miền Trung lấy củ mì thay cơm. Những lần xuống đồng bằng, họ thực sự trở thành người lính tham gia chống càn với quân giải phóng. Nguyễn Hồng đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt Quảng - Đà trong hoàn cảnh như vậy. Trước đó Nguyễn Kim cũng nằm lại với núi ngàn Trường Sơn bởi những trận sốt rét ác tính. Lê Xuân, Nguyễn Trác từng đói cơm, ngủ hầm ở Khu VI, sự gian khổ về vật chất không thua các bạn ngoài Tây Nguyên – duyên hải miền Trung.
Ở chiến trường Sài Gòn – Gia Định (I.4) cuộc sống vật chất tuy khá hơn nhưng ai ai cũng phải chống càn, đào hầm, liên tục di chuyển căn cứ, lại còn phải làm rẫy, cấy lúa, trồng rau… Có lần người viết bài này từng theo đơn vị vũ trang huyện Bình Chánh tham gia phá chiến dịch lấn đất của Nguyễn Văn Thiệu, tham gia lực lượng vũ trang – tuyên truyền cánh B (nông thôn vùng ven) của Khu ủy, góp phần giải phóng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh đêm 30.4.1975. Từ thực tế, tôi ghi nhanh những bài báo mang hơi thở chiến trường gửi theo đường Thông tấn xã giải phóng ra Hà Nội và được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng. Các bạn tôi ở chiến trường Tây Nguyên - duyên hải miền Trung cũng viết báo và tìm cách gửi bài ra Hà Nội như vậy.
Ngày 30.4.1975 như một lời nguyện, chúng tôi lại gặp nhau giữa Sài Gòn giải phóng. Sau ngày ấy do sự phân công và nguyện vọng cá nhân có người về công tác tại các viện nghiên cứu khoa học xã hội, trường đại học. Số đông hơn trở về với nghề báo: Vũ Ân Thi, Dương Trọng Dật ở báo Sài Gòn Giải Phóng, Nguyễn Bảo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Ngô Quy Nhơn báo Quảng Đà, Nguyễn Trung Kiên báo Bình Định, Lê Quang Trang, Khuynh Diệp, Hà Phương, Trần Thị Thắng báo Văn nghệ Giải phóng. Lê Điệp chuyển sang Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam thường trú tại TP.HCM.
Năm 1977 Báo Văn nghệ Giải phóng sáp nhập với tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi được điều ra Hà Nội tiếp tục công tác ở tờ báo này. Một thời gian sau Lê Quang Trang chuyển sang báo Nhân Dân rồi Đại Đoàn Kết; Khuynh Diệp chuyển sang Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam cùng TS Phan Đăng Nhật biên tập xuất bản tạp chí chuyên ngành folklore, trước khi chuyển về Hội Nông dân Việt Nam tham gia xuất bản tờ Nông Dân Việt Nam (tiền thân Báo NTNN); Tống Thế Gia làm Báo Nhân Dân; Nguyễn Thế Khoa ở Tạp chí Văn Hiến; Bùi Hồng Việt báo Văn nghệ TP.HCM. Phạm Quang Nghị, Lê Xuân tuy giữ những cương vị trọng trách khác nhau nhưng vẫn tham gia viết báo...