Dân Việt

“Điểm tựa xanh” của bản nghèo vùng biên

Nguyễn Trương Huyền 22/06/2016 06:25 GMT+7
“Ở miền biên viễn này, nếu ví UBND xã là mẹ thì Đồn Biên phòng Bản Máy là bố. Bất cứ việc gì của xã, của đồn chúng tôi đều bàn bạc với nhau, từ việc xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trên biên giới đến giúp dân xóa đói, giảm nghèo...” - anh Lý Tu Môn-Chủ tịch xã Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) chia sẻ.

Niềm tự hào của Bản Máy

“Điểm tựa xanh của bản” là lời giới thiệu đầy tự hào của bà con các bản nơi đây về những người lính biên phòng ở Đồn Bản Máy. Xã Bản Máy có 4 bản giáp biên với đa phần là đồng bào La Chí cư trú trong những nếp nhà nằm chênh vênh trên những triền đá xám. Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, quanh năm lạnh giá, khiến cho mọi sinh hoạt hàng ngày của bà con gặp không ít khó khăn. Do chủ yếu sống dựa vào nghề làm nương rẫy, thu nhập thấp (bình quân đầu người không quá 8 triệu đồng/năm) nên tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao nhất nhì trong huyện, tuổi thọ trung bình của bà con chỉ khoảng 60.

img

Bộ đội Biên phòng thăm gia đình anh Vang Chấn Củi và vợ là Lù Thị Sú. Ảnh: Trương Huyền

Bà con ở đây luôn ghi nhớ công lao của chính quyền, của bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, ngày đêm lên đây chỉ cách khai hoang vỡ đất trồng lúa nước, đem hạt giống cho bà con trồng”.

Ông Lù Giá Hùng 

Người già trong các bản nhớ lại, hơn 10 năm về trước, đời sống của bà con ở xã vùng cao này khổ lắm. Với tập quán canh tác lạc hậu cùng những thói quen cũ đã bám rễ tự nhiều đời nên hầu như hộ nào cũng ở trong tình trạng “đói kinh niên”.

Vào mùa thu hoạch, bữa ăn hằng ngày của bà con chỉ trông vào ngô nương, rau rừng, gạo hầu như rất ít; trẻ con đến tuổi không được đến trường. Tuy khó nghèo là thế, địa bàn lại nằm sát với biên giới nhưng bù lại Bản Máy lại được mệnh danh là địa bàn ba sạch: Không ma túy, không di cư, không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Đó chính là lợi thế, là động lực để từ Ban chỉ huy cho đến các chiến sĩ biên phòng đóng ở đây hạ quyết tâm bắt tay chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng triển khai các chương trình giúp bà con cải thiện đời sống.

Những người lính biên phòng ở đây đã thực hiện phương châm 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con để hòa nhập vào đời sống bản làng. Cả chục năm bám chặt địa bàn, bằng chính những việc làm thiết thực của mình, những người lính quân hàm xanh đã trở thành điểm tựa đúng nghĩa đối với công cuộc “xóa đói giảm nghèo” của đồng bào La Chí ở Bản Máy. Từ chuyện đồn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt các dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đến xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, hướng dẫn bà con làm “nhà sạch, vườn đẹp”, rồi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thí điểm xây dựng cho hộ nghèo hệ thống công trình phụ khép kín, hiện đại; vận động các tổ chức, cơ quan ủng hộ tiền phẫu thuật tim cho cháu Súng Sào Trương..., tất cả đều được bà con nhắc đến với sự biết ơn, trân trọng.

Ấm no gõ cửa mái nhà sàn

Đi một vòng quanh Bản Máy giữa cái nắng chói chang của những ngày hè vùng cao, lòng chúng tôi như dịu lại khi ngắm những căn nhà được dựng kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn, khung gỗ, thưng tôn. Chỉ sau khoảng chục năm, cuộc sống của đồng bào La Chí ở các bản làng miền biên viễn này đã đổi khác hoàn toàn.

img

Đời sống của đồng bào La Chí ở Bản Máy đang ngày một đổi thay. Ảnh: Trương Huyền

Ông Lù Giá Hùng - cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Bản Máy hào hứng thổ lộ: “Bà con ở đây luôn ghi nhớ công lao của chính quyền, của bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, ngày đêm lên đây chỉ cách khai hoang vỡ đất trồng lúa nước, đem hạt giống cho bà con trồng… Bản làng đang phấn đấu để có thể chủ động được hoàn toàn hạt gạo trắng để ăn, không phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa…”. Nhờ biết khai hoang ruộng nương để trồng trọt rồi cả đầu tư chăn nuôi mà cuộc sống dần ổn định, trẻ em, dân bản được đi học để biết cái chữ. Tổ công tác gồm trên một chục cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Bản Máy thường xuyên cắm bản để hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phát triển kinh tế. Y sĩ của đồn cũng được tăng cường đóng ở bản để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con...

Chúng tôi theo chân các chiến sĩ biên phòng đến thăm hộ gia đình anh Vang Chấn Củi và vợ là Lù Thị Sú, một trong những hộ gia đình có kinh tế khá giả ở bản Tà Chải. Nhìn căn nhà mới khang trang trị giá 230 triệu đồng (theo lời chị Sú), đúng là một giấc mơ đối với cặp vợ chồng  có 5 con từng xếp vào diện hộ đặc biệt khó khăn này.

Chỉ cách đây 3 năm, gia đình anh Củi với 7 người sống trong căn nhà tạm dột nát, thiếu ăn quanh năm, phải vào rừng đào củ ăn trừ cơm. Năm 2013, được Hội Phụ nữ Hà Giang hỗ trợ 25 triệu đồng, Đồn Biên phòng Bản Máy hỗ trợ ngày công nên gia đình anh chị đã có một ngôi nhà mới khang trang, nhưng ở được 4 tháng thì lại phải di dời vì có dự án làm đường. Cũng may, Đồn Biên phòng Bản Máy có sáng kiến tham mưu cho UBND xã đưa gia đình anh Củi về khu giãn dân được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà. Vậy là cùng với số tiền đền bù, tiền Nhà nước hỗ trợ và vay mượn thêm của bà con chòm xóm, anh Củi - chị Sú đã có được căn nhà mơ ước, cuộc sống cũng đã đủ ăn, đủ mặc khi vợ chồng chị ngoài trồng lúa, ngô, còn trồng thêm dưa hấu.