Câu chuyện “Chê cái mặt chủ tịch An Giang kênh kiệu bị phạt 5 triệu” gây xôn xao hồi tháng 11.2015, rất nhiều báo đưa tin. Vụ việc về một cô giáo ở An Giang do dẫn một bài báo trên trang Facebook cá nhân nói về ông Chủ tịch tỉnh bị T.Ư nhắc nhở kèm dòng trạng thái: "Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân".
PV Hữu Danh (trái) và ông chủ đất quán Xin Chào. Ảnh: P.D
Bài viết này được một công dân khác bình luận "Ông chủ tịch này kênh kiệu xa dân". Bình luận này được một lượt "like" của ông chồng. Thế là, cả ba người bị phạt tiền, bị kỷ luật về mặt đảng và chính quyền, bị mất chức...
Khi các bản tin gần như kết thúc, tôi tìm đến nhà người bị phạt và phát hiện, cặp vợ chồng bị phạt nhà chung vách với ông chủ tịch. Gặp cả hai gia đình, mâu thuẫn giữa dân và nhà chủ tịch được hé lộ. Tiếp cận những người tham gia xử phạt, tôi lại phát hiện các hồ sơ sai be bét, cán bộ xử lý không đủ chuẩn. Đọc hồ sơ, lại phát hiện có gần 20 cơ quan cùng xử lý vụ việc...
Thế là, tôi có hơn 15 tin, bài phản ánh sự kiện. Cái kết cuối cùng là các quyết định xử lý trái luật đều bị thu hồi. Cán bộ làm sai phải công khai xin lỗi công dân.
Hoặc vụ án quán phở Xin Chào (Bình Chánh, TP.HCM) nếu không đeo bám nhân vật tới cùng thì sẽ không phát hiện đại tá Nguyễn Văn Quý có dinh thự xa hoa, còn người bị khởi tố oan lại có em ruột là công an, thuộc cấp của ông Quý. Nếu không bám sát sự kiện sẽ không phát hiện ông chủ chòi vịt có miếng đất vàng, nhiều cò đất đòi mua cho "ông lớn" nhưng chủ chòi vịt không chịu bán, sau đó thì bị khởi tố oan...
Thế nên, một trong những kinh nghiệm tác nghiệp theo tôi phải luôn được nhà báo lưu tâm là việc theo sát, đeo bám nhân vật, sự kiện mà mình theo đuổi tới cùng, nhìn sự việc đó, nhân vật đó từ nhiều góc cạnh, nhiều chiều khác nhau. Khi đó, chúng ta sẽ có được rất nhiều câu chuyện thú vị và độc đáo.