Dân Việt

Bao giờ hết tình trạng độc quyền internet ở các khu chung cư?

Hoàng Thắng 18/06/2016 14:28 GMT+7
Hiện nay, tại một số chung cư cao tầng ở Hà Nội chỉ có duy nhất một nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông, nhiều cư dân đang sinh sống trong các khu chung cư này tỏ ra bất bình khi nhà mạng không đáp ứng được yêu cầu chất lượng dịch vụ.

Không có sự lựa chọn thứ hai

Chị N.C.Oanh chia sẻ (Tòa nhà VP5, bán đảo Linh Đàm), khi còn sinh sống tại phố Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội), gia đình chị từng sử dụng dịch vụ Internet của Viettel, với cước phí dịch vụ hàng tháng là 230.000 đồng, tốc độc truy cập Internet rất ổn định.

Tuy nhiên, khi chuyển về Tòa nhà VP5, bán đảo Linh Đàm vào tháng 9.2014, gia đình chị Oanh cũng như nhiều gia đình khác sinh sống tại đây đều tỏ ra bất ngờ khi chủ đầu tư tòa nhà đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông với công ty Cổ phần Dịch vụ Viễn thông số Diginet từ trước. Nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet, các gia đình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đăng ký sử dụng dịch vụ của công ty này. Hiện tại, gia đình chị Oanh đang sử dụng dịch vụ Internet của công ty Diginet cung cấp với cước phí ưu đãi: 270.000 đồng/tháng (do đã thanh toán cước phí trước 6 tháng), song chất lượng đường truyền Internet khá thấp, nếu so sánh với dịch vụ Internet gia đình chị từng sử dụng của Viettel hay một số nhà mạng khác như FPT, VNPT.

Bao giờ hết độc quyền internet ở khu chung cư?

Mỗi lần, người dân sinh sống tại tòa nhà phản ánh những vấn đề liên quan tới chất lượng dịch vụ Internet tới ban quản lý tòa nhà và đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhân viên của công ty Diginet đều hứa sẽ khắc phục, song chất lượng đường truyền sau đó vẫn không được cải thiện. Chị Oanh nói: “Hầu hết cư dân trong tòa nhà đều muốn thay đổi nhà cung cấp dịch vụ mạng nhưng không được. Cá nhân tôi cũng mong muốn có nhiều hơn một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong một khu chung cư, nhà cao tầng bởi điều đó sẽ bảo đảm tính cạnh tranh giữa các nhà mạng. Từ đó, người dân sinh sống trong tòa nhà sẽ được hưởng những dịch vụ tốt hơn.”

Bên cạnh các cư dân đang sinh sống tại tòa nhà VP5, một số cư dân đang sinh sống tại các tòa nhà HH3 và HH4 (Khu đô thị Linh Đàm) cũng chia sẻ, dịch vụ Internet tại tòa nhà HH3 hiện do VNPT cung cấp, trong khi tòa nhà HH4 do FPT cung cấp.

Trò chuyện cùng phóng viên tại một cửa hàng cà phê gần nhà, anh C.M.Tuấn (Tòa nhà A6B, khu đô thị Nam Trung Yên) cho biết, anh thường chọn giải pháp làm việc bên ngoài do chất lượng đường truyền Internet của tòa nhà không ổn định. Trước đây, anh Tuấn từng có ý định hủy hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông với nhà cung cấp dịch vụ hiện tại của tòa nhà – Viettel, để tìm kiếm một nhà cung cấp khác có dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, khi anh liên hệ với một số nhà mạng để đăng ký dịch vụ thì đều bị từ chối bởi hiện tại, tòa nhà nơi anh đang sinh sống chỉ có duy nhất Viettel ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông với ban quản lý tòa nhà.

Anh Tuấn nói: “Nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet của người dân ngày càng cao. Song một số hộ gia đình sống cùng tòa nhà với tôi thậm chí phải sử dụng chung cổng Internet với các hộ gia đình khác. Vậy nên, tôi cho rằng cách làm của các đơn vị cung cấp dịch vụ không hợp lý.” 

Thời gian tới  sẽ phải có thêm nhà cung cấp

Sự độc quyền vô lý

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Ngọc Chính (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho rằng, tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông tại nhiều chung cư cao tầng ở Hà Nội là một điều vô lý. Thay vì ký hợp đồng với 2, 3 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhiều chủ đầu tư tòa nhà chọn giải pháp hợp tác với một nhà mạng duy nhất, để đơn vị này lắp đặt hệ thống hạ tầng viễn thông trong tòa nhà từ giai đoạn thi công xây dựng. Sau đó, ưu tiên cho đơn vị này khai thác dịch vụ.

Trước đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã từng có ý kiến phát biểu, gặp gỡ nhiều cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sử dụng Internet đang sinh sống tại các khu chung cư, nhà cao tầng. 

Ông Chính nói: “Trong nền kinh tế hiện nay, người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn sản phẩm, dịch vụ và đơn vị cung cấp. Còn doanh nghiệp cũng có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.Vậy nên, việc người sử dụng dịch vụ Internet tại nhiều chung cư cao tầng chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là điều hết sức vô lý. Một phần nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ sự “đi đêm” giữa chủ đầu tư tòa nhà và đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông. Chủ đầu tư muốn tiết kiệm chi phí cơ sở hạ tầng, nhà mạng cũng hưởng lợi từ việc độc quyền cung cấp dịch vụ tại một tòa nhà.”

Ngày 27.5.2016, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định  đối với việc thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp viễn thông trong tòa nhà. Từ ngày 7.6.2016, UBND thành phố yêu cầu cần phải có đủ dung lượng để ít nhất hai doanh nghiệp viễn thông có thể tham gia cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp thêm dịch vụ  theo nhu cầu của người sử dụng.