Dân Việt

Nhớ hương vị cơm lam, nhớ núi rừng Tây Bắc

Phương Mai 19/06/2016 10:00 GMT+7
Gạo nếp nương được nhồi chặt ống nứa, rồi đem hơ lửa đến khô cháy lớp cật bên ngoài. Khi bóc ra, một lớp màng trong suốt bao bọc khiến ta có cảm giác như cơm lam được sinh ra từ tre nứa của núi rừng Tây Bắc.

Một chiều mùa hạ, chúng tôi lên Tây Bắc, nắng đã dịu để nhường lại mát mẻ cho không gian. Nếu như dưới xuôi đang là những ngày hè oi ả thì ở miền dẻo cao này vẫn yên ả một màu trời xanh, mây trắng và biết bao vật phẩm bình dị mà núi rừng ban tặng. Lên tới đây, ngoài sự đắm say với trang phục của các cô gái Thái, các thiếu nữ người Mông, du khách cũng không quên mang theo một vài ống lam để làm quà. Thứ gạo nếp được nấu chín bằng hương vị của núi rừng vô cùng thú vị.

img

Món cơm lam vùng Tây Bắc.

Sớm thức dậy, mới  nghe tiếng chim lanh lảnh hót đầu sàn mà đã thấy nắng vàng trải khắp những thửa ruộng bậc thang đang chín vàng ửng. Những con châu chấu bụng căng trứng béo ngậy bay vào cả cửa sổ cũng vàng óng như màu lá lúa. Khi bước xuống cầu thang, gia chủ không quên mời khách rửa mặt bằng nước suối mát trong chum được lấy về đêm qua, rồi ngồi xuống thưởng thức món cơm lam điểm tâm bữa sáng.

Từ ống nứa nhỏ xinh, gạo được nhồi chặt ống rồi đem hơ lửa đến khô cháy lớp cật nứa bên ngoài. Vậy mà khi bóc ra, được lớp màng trong suốt bao bọc ta có cảm giác như đó cơm lam được sinh ra từ tre nứa chứ không phải từ bàn tay con người. Vị thơm của lúa, vị ngọt của tre nứa, vị mặn của muối chấm tạo nên vị ngon không thể quên được.

Cơm lam giờ được bày bán ở nhiều nơi. Có cả những thứ cơm ăn giống vị cơm nếp đồ với ống nứa khô khốc. Đâu đó những nét văn hóa của người miền núi cũng bị biến tướng đánh mất đi vẻ đẹp vốn có. Tuy nhiên, thứ hương vị của lúa nếp nương, của ống nứa và than lửa nơi núi rừng mới làm ra vị ngọt thanh nhã mà đậm đà của của mảnh đất Tây Bắc.

Thứ cơm cất trong lòng tre nứa với sự chân thật, hiếu khách của con người nơi đây như món quà dâng tặng người khách đường xa đói lòng, thứ quà mà thiên nhiên ban tặng theo bước chân trở về miền đồng bằng như ấn tượng không thể nào quên.