Sau khi hàng ngàn ha rừng đã bị phá trên khắp đất nước để các công trình thủy điện mọc lên trong vòng 10 năm qua, đã đến lúc các dự án thủy điện gặp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân và chính quyền các địa phương. Đó là một tín hiệu đáng mừng!
Ngày 17/6 UBND tỉnh Gia Lai đã chính thức gửi văn bản đề nghị Chính phủ không cấp phép xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng, cho dù dự án đã được Bộ Công thương quy hoạch. Có thể nói, đây là một quyết định dũng cảm, và đầy tinh thần trách nhiệm của chính quyền tỉnh Gia Lai.
Dũng cảm. Bởi quyết định từ chối một dự án thủy điện đã được quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc từ chối những lợi ích vốn đã được vẽ lên, và đã thuyết phục được không ít Bộ, ngành liên quan. Đó là viễn cảnh về ngân sách đóng góp cho địa phương, là hạ tầng giao thông được xây dựng nhờ ăn theo thủy điện, là thành tích tăng trưởng GDP nữa. Nhưng, vì tương lai môi trường, vì những cánh rừng quý giá còn sót lại, Gia Lai đã khước từ thủy điện và những lợi ích luôn sớm được vẽ ra.
Gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng
Trách nhiệm. Đó là thái độ không thỏa hiệp với thủ phạm dẫn đến cái chết của những dòng sông, con suối, cánh rừng. Gia Lai, đã từng có một thủy điện An Khê Kanak được coi là sai lầm thế kỷ với việc biến 200km hạ lưu sông Ba thành một dòng sông chết, và những cuộc khiếu kiện của người dân 10 năm không dứt.
Để khước từ công trình thủy điện xây lên trong rừng già, tôi tin rằng những người lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã nhìn thấy nỗi đau của người dân. Như tôi từng nhìn thấy điều đó trong đôi mắt đỏ hoe của một cán bộ kiểm lâm sau một lần truy bắt “lâm tặc”.
Người cán bộ kiểm lâm ấy là chốt trưởng chốt Cây Đa giữa rừng Yok Đôn. Anh gần như đã khóc khi cho tôi xem những hình ảnh trong điện thoại của mình. Đó là một người phụ nữ Ê Đê địu con trước ngực, địu khúc gỗ sau lưng. Người đàn bà trong ảnh có ánh mắt sợ hãi và run rẩy quỳ xuống khi bắt gặp kiểm lâm. “Cô ấy cưa một khúc từ cây dầu đổ vì ngập nước. Khúc gỗ ấy ra cửa rừng sẽ bán được hơn một trăm ngàn. Tôi phải thu giữ tang vật, và phạt cô ấy. Nhưng tôi hỏi anh cô ấy có phải lâm tặc không?”
Người phụ nữ ấy là lâm tặc nếu như chiếu theo những quy định về bảo vệ rừng. Người phụ nữ ấy cùng với những bà con của mình bao đời nay sống dựa vào rừng. Bây giờ họ vẫn bám vào những cánh rừng đại ngàn để mưu sinh, ngày ngày vào rừng đào chút nghệ rừng giá tám ngàn mỗi kg và mỗi ngày một ít đi khi những cánh rừng khắp Tây Nguyên đang mất dần.
“Cô ấy có phải lâm tặc không?” – Người cán bộ kiểm lâm hỏi tôi rất nhiều lần khi cho xem tấm ảnh ấy. Đó là câu hỏi mà tôi đã không thể trả lời. Người cán bộ kiểm lâm ấy cũng không đợi một câu trả lời từ phía tôi. Bởi anh ấy đã có câu trả lời từ chính những khoảnh rừng đang chết trong sự bất lực của những người kiểm lâm như anh. Cách chốt Cây Đa của anh chỉ hơn 100 m là một vùng cây đang chết trắng vì úng trên cao nguyên. Một năm trước, người ta chặn dòng suối ở đây làm thủy lợi dẫn nước cho một cánh đồng vài mẫu thôi. Cái chết của những cánh rừng đã diễn ra như thế, còn những người dân nghèo trở thành lâm tặc bởi mưu sinh.
Một dự án thủy điện phải mất hàng chục năm mới hoàn vốn - Ảnh minh họa
Nói không với thủy điện không phải là lựa chọn dễ dàng đối với chính quyền nhiều địa phương, nhất là những địa phương mà tài nguyên chủ yếu là những cánh rừng thượng nguồn sông suối. Tất cả những địa phương có dòng sông Hồng chảy qua đều đã đồng tình với một dự án thủy điện nhằm cắt khúc sông Hồng, và nó chỉ bị dừng lại khi báo chí miệt mài lên tiếng. Giữa rừng Yok Đôn, dự án thủy điện Drang Phok cũng chỉ được UBND tỉnh Đak Lak đề nghị dừng bởi sự phản ứng quyết liệt của những người bảo vệ rừng.
Mỗi một công trình thủy điện được cấp phép xây dựng là hàng trăm ha rừng sẽ biến mất. Và không chỉ có thế, mà còn là sinh kế của rất nhiều người dân vốn sống dựa vào rừng. Nhưng người ta thường dễ dàng nhìn thấy những lợi ích trước mắt của thủy điện, và không muốn thấy nỗi đau cụ thể của những con người gắn bó sinh mệnh của mình với những cánh rừng đang mất đi, cho dù nó hiện hữu.
Đó là những nỗi đau mà khi nhìn vào, người ta cần phải quên đi lương tâm của mình mới có thể đồng ý đánh đổi những cánh rừng đại ngàn để lấy một công trình thủy điện.