Dân Việt

“Sư tử” Anh, kịch bản Brexit và nỗi lo đi - ở

Tri Thức 21/06/2016 13:12 GMT+7
Không thể ghi nổi 1 bàn thắng, dù cầm bóng nhiều, chơi lấn lướt, tạo được những cơ hội rõ ràng, “sư tử” Anh đã bị Slovakia cầm hòa ở lượt trận cuối vòng bảng, đành xếp thứ 2 bảng B, với 1 điểm ít hơn Xứ Weles – đội bóng mà chính họ ngược dòng thắng nghẹt thở trận trước.

Một hàng công yếu đuối, thiếu sức sáng tạo, và đặc biệt không hiệu quả. Ngay cả khi bộ đôi vào thay người và giúp Anh ngược dòng trước Xứ Wales là D. Sturridge và J. Vardy đã đá chính, thay H. Kane và S. Sterling, nhưng họ vẫn tịt ngòi. Thậm chí khi tung cả W. Rooney và H. Kane vào sân trong hiệp 2, giữ lại “sát thủ Ngoại hạng” J. Vardy, nhưng “sư tử” vẫn không thể cất tiếng gầm. Chính huấn luyện viên Roy Hodgson cũng tỏ ra thất vọng về trận hòa không bàn thắng này, khiến Anh có thể phải gặp đối thủ khó chơi ở vòng loại trực tiếp.

img

Rooney vào sân trong hiệp hai nhưng không thể giúp ĐT Anh giành chiến thắng trướp Slovakia

“Đó thực sự là nỗi thất vọng. Một lần nữa chúng tôi nắm quyền kiểm soát và tạo ra rất nhiều cơ hội trong vòng cấm địa của Slovakia, nhưng không thể ghi được bàn. Chúng tôi sẽ bị chỉ trích vì cầm nhiều bóng mà không ghi được bàn thắng… Chúng tôi đã có mặt ở vòng 1/8 và sẽ cố gắng ở trận đấu tiếp theo để bảo đảm rằng, đội bóng không chỉ biết kiểm soát bóng mà phải ghi được bàn thắng”, ông R. Hodgson  không giấu được sự thất vọng, cùng những âu lo hiển hiện. Trong khi đó, chính các cổ động viên Anh cũng nhiều người phàn nàn, phản đối cách chỉ đạo của huấn luyện viên Hodgson. Họ cho rằng, ông Hodgson đã không đủ trình độ, bản lĩnh để nhào nặn đội tuyển Anh, không xây dựng được một đội hình vững chắc, ổn định mà luôn xoay tua cầu thủ, thiếu niềm tin và bản lĩnh. Điều ấy khiến Anh đứng trước nguy cơ bị loại ngay khi vòng đấu knock-out bắt đầu…

Điều rất trùng hợp với bóng đá, cũng liên quan đến chuyện đi - ở của đất nước Anh. Số là ngày 23.6 tới đây, Vương quốc Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (kịch bản Brexit). Càng sát ngày đến cuộc trưng cầu dân ý, những kết quả thăm dò dư luận càng cho thấy những hoài nghi, âu lo. Chỉ với 2 khả năng xảy ra, nhưng rất nhiều chuyện kéo theo, với vô vàn ý kiến trái chiều của người dân xứ sương mù. Số người ủng hộ Anh “rũ áo ra đi” ngày một tăng đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế không chỉ của riêng quốc gia này mà cả châu lục, cũng như thế giới. Chỉ cần nhìn vào chỉ số chứng khoán thế giới liên tục sụt giảm đáng kể thời gian gần đây, vì sự lo sợ kịch bản Brexit sẽ xảy ra, cũng nói lên điều đó…

Rồi cuộc trưng cầu sẽ diễn ra. Kết quả dù có thế nào đi nữa, cũng do chính người dân Anh lựa chọn. Nhưng, nó sẽ là dấu mốc lịch sử không chỉ với nước Anh, mà cả với Liên minh châu Âu, bởi Anh là một trong ba nền kinh tế lớn nhất khối, bên cạnh Đức và Pháp. Bởi đó là lần đầu tiên xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt ở một khối liên kết được xem là vững chắc, là mẫu hình trên thế giới. Nếu Anh đã tạo tiền lệ xấu, là rời đi, những mối âu lo về một sự rạn nứt trong Liên minh châu Âu càng có thể xảy ra, đặc biệt khi các đảng cực hữu với tư tưởng cực đoan là “đóng cửa” biên giới, bài ngoại, phân biệt chủng tộc, chống hội nhập đang trỗi dậy, thậm chí thắng thế trong mùa bầu cử ở nhiều quốc gia thuộc “cựu lục địa”.

Bóng đá Anh, cũng như Vương quốc Anh, trước giờ G của cuộc chiến đi-ở, đều trong tâm trạng bất an, hồi hộp, mong manh. Dẫu tất cả thành-bại, đều do chính người Anh quyết định.