Đại diện tỉnh Hải Dương cho hay hiện tỉnh này có 11.000 ha vải thiều, sản lượng đạt khoảng 36.000 tấn, giảm 30% so với năm ngoái. Tỉnh Bắc Giang có 30.000 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với niên vụ trước. Năm nay sản lượng vải giảm nhưng giá bán cao hơn năm 2015 và tiêu thụ khá thuận lợi.
Tuy vậy, phát biểu tại hội nghị một số doanh nghiệp chuyên thu mua trái vải cho biết đang gặp một số khó khăn do chi phí vận chuyển cao. Đại diện một doanh nghiệp dẫn chứng một chuyến xe chở 16 tấn vải từ Lục Ngạn đến chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM hết khoảng 36 triệu đồng. Như vậy, mỗi ký vải từ Bắc Giang vào đến chợ Thủ Đức phải gánh thêm 8.000 đồng chi phí, do vậy giá đến người tiêu dùng cao.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khuyến cáo không nên để vào vụ thu hoạch rộ rồi mới xây dựng kế hoạch tiêu thụ. Như vậy là quá chậm và cần khắc phục tình trạng này. Mặt khác, cần tổ chức để người sản xuất, kinh doanh có thể trực tiếp gặp gỡ trao đổi để hai bên “hiểu nhau”, từ đó đồng hành để việc tiêu thụ trái vải được thuận lợi.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cho hay chính quyền địa phương xác định thị trường nội địa là trọng điểm, đặc biệt là TP.HCM. Theo đó, phấn đấu tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm 60%; xuất khẩu khoảng 40%. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để xuất vào Mỹ, EU. Riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với sản lượng đạt 1.000 tấn theo tiêu chuẩn Globalg.a.p., đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU.