Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên. Vậy mục đích của việc đóng cửa rừng này là gì, thưa ông?
- Việc đóng cửa rừng, ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên đã được thực hiện từ năm 2005, lúc đó toàn quốc có hơn 200 lâm trường, công ty lâm nghiệp khai thác. Năm 2005, nhiều địa phương đã chủ động dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Năm 2010, Bộ NNPTNT có đề xuất Chính phủ giảm dần số lượng khai thác rừng tự nhiên, đến ngày 14.12.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2242 về tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạm dừng gần như toàn bộ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên trong phạm vi toàn quốc, trừ 3 đơn vị là Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Quảng Bình), Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) và Công ty Đại Thành (Đăk Nông) được xếp vào doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, được kinh doanh rừng sản xuất. Cả 3 công ty này đều có phương án quản lý rừng tự nhiên được duyệt, có chứng chỉ quốc tế FFC, nên họ được khai thác gỗ rừng tự nhiên với tổng số lượng 18.500m3/năm.
Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha. ảnh: H.D
Tuy nhiên đến nay, xuất phát từ tình hình thực tế, Bộ NNPTNT đã đề xuất, đối với địa bàn Tây Nguyên là sẽ đóng cửa rừng, ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên nhằm mục đích thực hiện các biện pháp lâm sinh để nâng chất lượng rừng tự nhiên, 5-10 năm nữa mới tính đến khai thác. Hiện tại chúng ta khai thác rừng sản xuất hoặc nhập khẩu gỗ để chế biến, sử dụng.
"Tất cả các khu vực khác đã đóng cửa rừng hết rồi, chỉ còn mỗi khu vực Tây Nguyên là chưa đóng. Nay đóng cửa rừng ở Tây Nguyên tức là đóng cửa rừng cả nước. Việc thực hiện đóng cửa rừng rất đơn giản, không có gì khó khăn”. |
Một trong những lý do của việc ngừng triệt để khai thác rừng tự nhiên là tránh được tình trạng các xưởng chế biến lợi dụng việc được khai thác rừng tự nhiên để làm ăn gian dối, lạm dụng để khai thác rừng trái phép. Quyết định đóng cửa rừng sẽ giúp giải quyết được nạn chặt phá rừng trái phép, tràn lan, đồng thời giúp cho cơ quan quản lý có thể kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, nếu bây giờ trong xưởng có gỗ rừng tự nhiên, chắc chắn xưởng đó bị vi phạm.
Vậy kế hoạch đóng cửa rừng tự nhiên sẽ được thực hiện như thế nào?
- Kế hoạch đã có ở Quyết định 2242, trên địa bàn Tây Nguyên giờ chỉ có 2 đơn vị khai thác đó là Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Đại Thành, tuy nhiên thực tế Công ty Đại Thành đã ngừng khai thác từ lâu rồi. Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị ở địa phương đi kiểm tra, đánh giá xem máy móc thiết bị, người lao động trong lĩnh vực khai thác chế biến dư thừa thế nào, địa phương sẽ sắp xếp công việc cho họ, nếu thấy khó khăn thì báo cáo Bộ NNPTNT để tìm hướng giải quyết.
Chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành gồm Bộ Tài chính, NNPTNT, Kế hoạch- Đầu tư, Tài nguyên- Môi trường đi đánh giá cả việc tác động môi trường, cả việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, đến tháng 8 sẽ có đánh giá kết quả thực hiện.
Việc đóng cửa rừng ở khu vực Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các công ty lâm nghiệp nói trên cũng như lao động làm việc trong các công ty này?
- Năm 2014, có 56 công ty lâm nghiệp của Tây Nguyên có khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ các công ty này đã dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Bây giờ nếu có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng đến Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Lâm nghiệp Đại Thành, đó là việc xử lý hệ thống cơ sở máy móc thiết bị, lao động của 2 công ty này như thế nào, quan điểm là nếu các công ty đủ năng lực hoạt động thì sẽ phải sắp xếp lại cho hiệu quả. Còn vấn đề sắp xếp giải quyết lao động làm việc trong những công ty này, trong Đề án 118 đã có phương án giải quyết lao động dôi dư. Bộ LĐTBXH chủ trì vấn đề này, họ đã có hướng dẫn cụ thể./.
Xin cảm ơn ông!