Một ngày làm việc của công nhân nạo vét cống bắt đầu từ 7h sáng đến 16h chiều. Những hôm mưa gió, các anh thay phiên nhau đi dọc những con đường hay bị ngập để dọn rác còn kẹt lại miệng cống giúp nước thoát nhanh.
Mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải được dọn lên. Trong số đó có rất nhiều loại độc hại như rác thải y tế, rác thải công nghiệp, hóa chất...
Mỗi hố ga đều phải được kiểm tra để tránh một nơi chưa được khai thông cả đường ống cống bị nghẽn lại.
Có những cống sâu gần 2m, các công nhân cũng phải chui xuống để kiểm tra.
Ban đầu công nhân dùng găng tay bảo hộ nhưng do bất tiện nên họ để tay không, chân trần xuống nước dọn. Điều này cũng khiến các công nhân dễ gặp rủi ro, thương tích do các loại rác thải sắc nhọn, độc hại gây ra.
Anh Nguyễn Thái Bình chui vào ống cống để nạo vét bùn. Người công nhân này kể, năm 2015, trong lúc dọn rác anh bị hóa chất độc hại đổ lên người gây lột da toàn thân phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu. Sau khi chữa lành, anh lại tiếp tục với công việc của mình.
Những công nhân này chia sẻ, gặp khu vực nào người dân có ý thức thì việc dọn rác nhẹ nhàng, còn những nơi có người thường quăng rác, xác động vật chết, kim tiêm, vật nhọn, bóng đèn... xuống thẳng cống thì các anh em hay bị xước tay, chân. Thậm chí có lúc bị rết cắn sưng phù chân.
Ống hút được đưa vào sâu bên trong cống để làm sạch bùn. Ở dưới sẽ có người chui sâu vào trong để điều khiển ống hút hiệu quả.
Công việc vất vả nhưng mức lương một công nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng, tương đối thấp so với mặt bằng chung của nghề đặc thù độc hại. Nhiều người phải làm thời vụ vài năm mới được ký hợp đồng chính thức.
Không chỉ lo thoát nước, các công nhân còn phải làm công việc vận chuyển bùn nặng nhọc lên xe chở đi ngoại thành xử lý.
Giọt mồ hôi nhọc nhằn của những công nhân vệ sinh đổ xuống khi giúp làm sạch đẹp thành phố.
Một công nhân trèo lên uống vội hớp cà phê giải khát rồi chui xuống tiếp tục xử lý rác thải.
Anh Phạm Hồng Vinh (36 tuổi) có 7 năm trong nghề chia sẻ, anh gắn bó với nghề này vì nó nuôi sống mình và gia đình.
Ở nơi nước thải xả mạnh, công nhân tận dụng để tẩy bớt bùn đất.
Lên khỏi công, anh Nguyễn Quốc Cường lập tức thay quần áo để tránh gây ngứa.
Cực nhất là lúc canh nước ngập vì có khi thức đến 22h tối còn chưa được về nhà. Anh Lê Thái Lộc ngồi trước miệng cống sau cơn mưa chiều 20.6 tại Kinh Dương Vương, quận Bình Tân.
Ông Lê Tấn Trọng (49 tuổi) làm công nhân vệ sinh cống ngầm đã được hơn 20 năm. "Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày", ông tâm sự.