Dân Việt

Nuôi thành công cá ngừ đại dương

Hoài Phương 23/06/2016 17:13 GMT+7
Đề tài “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to tại Việt Nam” đang được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị kinh tế cho hai loại cá ngừ đại dương (CNĐD) kể trên.

Đề tài do Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ NNPTNT đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt triển khai,  do thạc sĩ Bùi Quang Mạnh làm chủ nhiệm.

Chủ động nguồn cung cá ngừ

Tại Việt Nam, CNĐD là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của thủy sản. Về giá trị, sản phẩm cá ngừ xuất khẩu đứng vị trí thứ 3 sau tôm sú và cá tra, cá basa trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, các loại hải sản như cá basa, tôm sú, cá tra thì có thể nuôi nhưng cá ngừ hoàn toàn khai thác từ tự nhiên.

Do đó, việc hình một nghề nuôi CNĐD chuyên nghiệp là điều rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng giá trị sản phẩm và giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi.

img

Khai thác cá ngừ đã trở thành nghề làm giàu cho ngư dân. Ảnh: N.H

Bên cạnh đó, sản phẩm cá ngừ nuôi có chất lượng hơn hẳn so với sản phẩm khai thác tự nhiên và thường được chủ động đưa ra thị trường vào những thời điểm có lợi nhất nên có thể bán với giá cao. Nghề nuôi CNĐD được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn lợi lớn trong tương lai không xa.

Từ năm 2010, TS Nguyễn Long đã thành công với đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ngư trường và công nghệ khai thác CNĐD giống (vây vàng và mắt to) phục vụ nuôi thương phẩm”. 

Tiếp đó, Viện Nghiên cứu hải sản đã triển khai nhiệm vụ lưu giữ và nuôi đàn CNĐD giống vây vàng và mắt to nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, thăm dò khả năng nuôi CNĐD trong lồng ở vùng biển ven bờ nước ta.

Cá ngừ đưa về vùng nuôi tại Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa và được thả trong 2 lồng tròn có đường kính 8m, sâu 6m. Thức ăn chủ yếu để nuôi CNĐD là một số loài cá nhỏ như cá trích, cá nục.

Từ những thành công bước đầu kể trên, đề tài “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to tại Việt Nam”, mã số KC.06.07/11-15 đã được thực hiện tiếp nối. Đây là đề tài do Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NNPTNT) đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt triển khai.

Đề tài được triển khai với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ở điều kiện Việt Nam; có được mô hình nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hình thành nghề nuôi cá ngừ quy mô công nghiệp

Thành công của đề tài kể trên đã góp phần hình thành ngành nuôi CNĐD trên biển quy mô công nghiệp, đưa ngành nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngư dân sẽ có thêm nghề mới, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, ngành sản xuất thức ăn cho cá, góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh – chủ nhiệm đề tài cho biết, các nhà khoa học đã áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ giống của đề tài do TS Nguyễn Long thực hiện để khai thác cá ngừ giống đưa vào nuôi thương phẩm.

Việc nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam nên việc lựa chọn vùng nuôi là điều hết sức quan trọng. Địa điểm đặt lồng nuôi cần phù hợp với đặc tính sinh học của cá ngừ.

Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh cho hay: “Trước hết là điều kiện khí hậu phải phù hợp với cá ngừ. Sau đó là các chỉ tiêu chất lượng nước và đặc điểm địa hình của vùng nuôi”.

Do đó, sau khi khảo sát, vùng được nhóm nghiên cứu chọn để triển khai dự án là vùng biển khai thác cá ngừ giống tại Bình Thuận và Đông Nam Bộ; vùng biển nuôi cá ngừ thương phẩm là vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to với 2 chiếc lồng.

So với trước đây, kết cấu lồng vận chuyển đã thay đổi chi tiết ở cửa lồng được thay móc bấm bằng dây buộc và hạn chế tác động của ngoại cảnh trong quá trình kéo lồng, lưới ở cửa lồng phần có gắn móc kẹp không bị rách. Cách thức này đã nâng tỷ lệ CNĐD giống trong mẻ từ 50% lên 70%, sau đó mới tiến hành dồn cá sang lồng nhưng không ảnh hưởng đến mật độ lưu giữ cá trong lồng.

Ngoài ra, vùng không gian của vòng bao lưới vây được mở rộng hạn chế cá ngừ giống bị cọ sát với tường lưới, giảm tỷ lệ cá chết. Đặc biệt, các nhà khoa học đã đề nghị sử dụng 2 tàu lưới kéo để lồng nên tốc độ kéo lồng đã tăng lên 2 hải lý/giờ nhưng không ảnh hưởng đến đàn cá lưu giữ trong lồng. Do đó, thời gian kéo lồng từ ngư trường về vịnh Vân Phong chỉ mất 11 ngày, rút ngắn 4 ngày so với đề tài được thực hiện năm 2010.

Tỉ lệ cá giống bị chết cũng được giảm từ 21,35% xuống còn 13,39% nhờ cải tiến các thao tác cần thiết khi dồn cá ngừ từ lưới vây sang lưới lồng. Quy mô 2 lồng nuôi đạt sản lượng hơn 7 tấn, tỷ lệ sống đạt 53,2%. Sản phẩm cá ngừ nuôi thương phẩm có chất lượng đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.