Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao, 2 năm trời chạy đôn chạy đáo cùng gần 500 triệu đồng phí mà vẫn không thu được gì?” – ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (trú thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) cay đắng nói với PV Báo NTNN/Dân Việt.
Đoạn trường vay vốn
Theo phản ánh của anh Tuấn, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt (đợt 4) đủ điều kiện tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7.7.2014 của Chính phủ (NĐ67) vào tháng 9.2015, anh đã chọn Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) để làm hồ sơ vay vốn đóng tàu cá vỏ thép, hành nghề lưới rê. Bên đóng tàu là Công ty CP Đóng tàu thủy Đức Việt (Nam Định) với tổng dự toán gồm cả tàu và ngư lưới cụ gần 14,5 tỷ đồng.
Ngư dân Tuấn với hồ sơ bị trả sau gần 2 năm ngược xuôi Nam- Bắc để hoàn tất thủ tục. ảnh: C.X
Kể từ đây, đoạn trường vay vốn bắt đầu hành xác anh Tuấn và gia đình. Cho rằng dự toán đóng tàu mà công ty này đưa ra cao hơn so với chiếc tàu vỏ thép đánh bắt cùng hình thức mà ngân hàng đã cho ngư dân khác vay đóng trước đó tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng (TP.Hải Phòng), Vietcombank Quảng Ngãi không đồng ý và yêu cầu chọn nơi khác. Sau đó anh Tuấn chọn Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang (Khánh Hòa) để đóng, với tổng dự toán 15,4 tỷ đồng. Nhưng Vietcombank Quảng Ngãi cũng không đồng ý, với lý do công ty này đóng tàu không đảm bảo; đồng thời gợi ý ngư dân Tuấn quay lại chọn Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng.
"Cũng một mẫu thiết kế, giá Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng đưa ra đến 16,5 tỷ đồng, cao hơn Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang 1,1 tỷ đồng nên tôi không đồng ý và đề nghị, nếu chịu đóng với giá bằng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang (15,4 tỷ đồng) thì sẽ đóng tại đây. Thế nhưng doanh nghiệp này từ chối" – anh Tuấn kể.
Không đồng ý phương án này, anh Tuấn chọn Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Quảng Ngãi) đóng tàu cho mình với dự toán đưa ra chỉ 15,2 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận phương án này, đồng thời Vietcombank yêu cầu phải hoàn tất hồ sơ trong vòng 30 ngày. Đến ngày 5.4, anh Tuấn mang hồ sơ (trước thời hạn theo yêu cầu 10 ngày) tới nộp, Vietcombank Quảng Ngãi yêu cầu chờ. Tuy nhiên hơn 1 tháng sau vẫn chưa thấy động tĩnh nên ngày 25.5, anh Tuấn đã làm đơn gửi UBND tỉnh nhờ can thiệp để Vietcombank Quảng Ngãi sớm giải ngân. Bất ngờ ngày 16.6, Vietcombank Quảng Ngãi có văn bản từ chối không cho anh Tuấn vay.
“Nếu đúng như lời ngư dân Tuấn cho biết là đã nộp đủ vốn đối ứng 100% cho Ngân hàng Vietcombank, thì ngân hàng này đã phạm luật. Vì theo quy định đối với trường hợp vay vốn theo chủ trương này, ngân hàng không được bắt ngư dân đóng dứt điểm 1 lần vốn đối ứng, mà chỉ đóng tương đương với phần đã được ngân hàng giải ngân”. Lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi |
Lý giải về sự từ chối này, trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, Vietcombank Quảng Ngãi cho biết đến cuối tháng 10.2015 mới chính thức tiếp nhận hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép nghề lưới rê của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn. Tuy nhiên với tổng giá trị hợp đồng là 14,4 tỷ đồng mà Công ty Đức Việt đưa ra so với chiếc tàu cùng hình thức đánh bắt, kích thước và trang bị mà Vietcombank đã cho một trường hợp vay trước đó là cao hơn 400 triệu đồng. Vì thế, Vietcombank Quảng Ngãi hướng dẫn ngư dân Tuấn liên hệ với Công ty Thẩm định giá Miền Nam, thẩm định lại dự toán để có ý kiến với doanh nghiệp đóng tàu giải trình các khoản chưa hợp lý.
Đến tháng 12.2015, cùng với thông báo là thôi không đóng tàu tại Công ty Đức Việt, ngư dân Tuấn cung cấp hợp đồng đóng tàu với Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang, với dự toán lập là 15,4 tỷ đồng; cao hơn so với dự toán mà Công ty Đức Việt lập 1 tỷ đồng nên Vietcombank Quảng Ngãi đề nghị anh Tuấn làm rõ với đơn vị đóng tàu về những mục, khoản chưa hợp lý. Tuy nhiên đến tháng 2.2016, khi ngư dân Tuấn tự ý lên xin rút hồ sơ và Vietcombank Quảng Ngãi đã lập biên bản giao trả. Sau đó đến cuối tháng 3.2016, anh Tuấn lại đến cung cấp hồ sơ xin vay đóng tàu. Lần này, đơn vị được chọn để đóng phương tiện là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, với dự toán là 15,268 tỷ đồng.
Theo đó Vietcombank Quảng Ngãi hướng dẫn, đầu tháng 4.2016, ngư dân Tuấn mới cung cấp Chứng thư thẩm định giá đối với dự toán đóng tàu và được hướng dẫn lập giấy đề nghị vay vốn.
“Loại” vì thiếu kinh nghiệm
Thế rồi, qua xác minh, Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng ngư dân Tuấn trước đây làm nghề đánh bắt bằng hình thức giã cào, nhưng làm ăn không hiệu quả nên bán phương tiện chuyển sang nghề khác; ngư dân Tuấn chưa có kinh nghiệm trong đánh bắt hình thức này. Còn Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất chưa có kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ thép... Vì vậy Vietcombank Quảng Ngãi không thể cấp tín dụng cho ngư dân Tuấn.
Văn bản Vietcombank từ chối không cho anh Tuấn vay. ảnh: C.X
Không đồng tình với lý giải của Vietcombank Quảng Ngãi, lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hồ sơ đã gửi đến ban đầu sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện được vay, ngân hàng sẽ tìm hiểu, kiểm tra thực tế đối với ngư dân. Vì vậy nếu ai không đủ điều kiện thì ngân hàng sẽ từ chối ngay, chứ không cần phải đến các bước chọn đơn vị đóng tàu, lập dự toán... rồi mới thẩm định và loại. Cán bộ này cũng phân tích thêm, trước đó Vietcombank Quảng Ngãi nếu đã có ý định không cho vay, thì vì sao lại yêu cầu ngư dân này đóng vốn đối ứng vào để làm gì... Vì vậy theo vị lãnh đạo này, việc ngư dân Tuấn bị loại hồ sơ là ở lý do khác, chứ không phải vì lý do như đã nêu trên.
Được biết không riêng gì trường hợp ngư dân Tuấn, một ngư dân khác ở xã Nghĩa Phú là ông Phạm Văn Cu, cũng đã gửi đơn đến Báo NTNN phản ánh về việc bị Vietcombank Quảng Ngãi loại hồ sơ vay sau khoảng thời gian "hành" và phải chịu mất trắng khoản tiền chi phí như ông Tuấn.
Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Vietcombank Quảng Ngãi xem xét cả 2 trường hợp của ngư dân Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Văn Cu. Báo NTNN sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc.