Hạ tầng nông thôn đổi thay
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình 135, những tuyến đường liên thôn, liên xã ở Xà Phiên, huyện Long Mỹ liên tục được đầu tư xây dựng, sửa chữa, góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng quê này.
Cách chợ Xà Phiên chỉ khoảng 2km, nhưng mấy năm trước mỗi lần bà con ấp 5 đi chợ phải mất 15-20 phút chạy xe gắn máy mới đến nơi, vì đường sá xuống cấp nặng. Cuối năm 2014, tuyến đường này được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Bà Thị Bận phấn khởi nói: “Khi tuyến đường này bắt đầu xây dựng, người dân mừng lắm, người thì hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng, người thì phụ giúp trộn hồ… Ngày khánh thành, ở đây vui như mở hội, từ nay trở đi học sinh không còn sợ cảnh lầy lội mỗi lần đến trường”.
Tuyến đường ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ được đầu tư xây dựng thông thoáng. Ảnh: Chúc Ly
Ông Danh Lanh ngụ cùng xã cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương bắc cầu qua kênh Giữa mà chúng tôi chạy xe máy bon bon về tận nhà. Trước chỉ là cây cầu khỉ qua lại rất khó, nhất là vào mùa mưa xe máy không thể di chuyển được”.
Từ nguồn vốn của Chương trình 135, trong các năm 2010 - 2015, toàn tỉnh Hậu Giang đã đầu tư, xây dựng, sửa chữa gần 120 công trình giao thông, với tổng kinh phí gần 43,6 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, hàng nghìn hộ nghèo đã có điều kiện phát triển sản xuất. |
Được biết, thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II), từ năm 2010 - 2015, toàn tỉnh Hậu Giang đã đầu tư, xây dựng, sửa chữa khoảng 120 công trình giao thông trong vùng đồng bào dân tộc, với kinh phí gần 43,6 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tốt việc đi lại, sản xuất của người dân các ấp, xã.
Hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo
Cùng với nguồn vốn từ Chương trình 135, tỉnh Hậu Giang đã triển khai tốt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS khó khăn theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2008-2010, tỉnh đã hỗ trợ gần 2.000 hộ dân tộc nghèo, với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng.
Trước đây, gia đình bà Thị Thên (ấp 5, xã Xà Phiên) có 3 công đất ruộng. Năm 2008, do làm ăn thua lỗ nên bà cầm cố hết đất với giá 30 triệu đồng. Năm 2010, gia đình bà được địa phương xét hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc lại đất theo Quyết định 74. Từ đó, gia đình bà Thên tập trung chăm lo sản xuất, chăn nuôi lợn và đến năm 2012 đã thoát nghèo. “Nếu Nhà nước không hỗ trợ vốn thì không biết chừng nào gia đình tôi mới chuộc được đất. Có đất, chúng tôi yên tâm làm ăn, nhờ đó mới thoát nghèo” - bà Thên xúc động nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Kha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với sản xuất và đời sống bà con, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống xã hội...”.