Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lão Khoa T.Ư. Ảnh: Diệu Linh
Tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng do Bộ Y tế tổ chức ngày 24.6, PGS Khuê cho biết, theo báo cáo ban đầu của Sở Y tế Nghệ An về vụ việc mổ rút đinh nhầm tay, bác sĩ vào phòng mổ đã thấy điều dưỡng đặt ống truyền dịch bên tay phải của bệnh nhân, do đó, bác sĩ mổ nghĩ rằng tay trái (để không) mới cần rút đinh. Do đó, bác sĩ mổ đã mổ cổ tay trái của bệnh nhân để “tìm đinh” nhưng tìm mãi không thấy mới kiểm tra lại thông tin và phát hiện nhầm lẫn.
Trước đó, ngày 15.6, bé Phạm Thành L, 6 tuổi, quê ở xóm 6, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã vào Bệnh viện 115 Nghệ An theo lịch hẹn để rút đinh ở cổ tay phải (do bị ngã gãy xương trước đó). Tuy nhiên, khi đón con từ phòng mổ ra, gia đình thấy hai cổ tay của bé L. đều bị băng bó. Các bác sĩ cho biết, do nhầm lẫn nên đã mổ “tìm đinh” ở tay trái, sau khi không thấy nên mổ thêm lần nữa ở tay phải…
PGS Khuê cho biết, để tránh các nhầm lẫn đáng tiếc nói trên, sự phối hợp giữa các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ở một kíp mổ là vô cùng quan trọng. Các điều dưỡng, kỹ thuật viên phải có trách nhiệm bàn giao bệnh nhân cho các sĩ với đầy đủ các thông tin về tên tuổi, giới tính của bệnh nhân cũng như bệnh tật, vị trí phẫu thuật, các chẩn đoán, tiên lượng về ca mổ… Có như vậy mới tránh được nhầm lẫn và giảm thiểu các tai biến, biến chứng cho bệnh nhân.
Theo PGS Khuê, vai trò của các điều dưỡng trong điều trị chăm sóc bệnh nhân là rất quan trọng. Một ca mổ thành công mà chăm sóc không tốt cũng dễ biến chứng. PGS Khuê cũng dẫn chứng về vụ bệnh nhân Lê Thị Hà Vi phải cắt chân do sự tắc trách của nhân viên y tế bệnh viện H.Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk). “Nếu như điều dưỡng, nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, kiểm tra xem việc băng bó có tốt không, màu sắc chân có bị biến đổi do băng bó quá chặt không hoặc kịp thời lắng nghe sự phản ánh của bệnh nhân và người nhà để thay đổi cách điều trị thì đã không dẫn đến việc chân bị tím tái, hoại tử do băng bó quá chặt” – PGS Khuê cho biết.
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, toàn quốc có gần 121.000 điều dưỡng, hộ sinh, trong đó có tới 74,6% điều dưỡng có trình độ trung cấp, thậm chí còn có 1,6% có trình độ sơ cấp.
Tỷ lệ điều dưỡng/1000 dân ở Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt 1,23 điều dưỡng/1.000 dân. Các nước khác trong khu vực đều có tỷ lệ cao hơn như Brunei cao gấp 6,5 lần, Philippines cao hơn 4,9 lần, Đan Mạch cao hơn 14 lần, Mỹ hơn 7,9 lần. “Thiếu nhân lực điều dưỡng ảnh hưởng nhiều đến chất lương chăm sóc và an toàn người bệnh” – PGS Khuê nhận định.