Người dân Quỳnh Lưu hái rau nhót ở khu vực đồng muối.
Chúng tôi theo chân bà Nguyễn Thị Thủy, ở xóm 10, xã Quỳnh Ngọc ra cánh đồng muối ở xã Quỳnh Minh để tìm hái rau nhót. Là người có thâm niên hơn 10 năm làm nghề, bà Thủy hơn ai hết sẽ biết được thời gian nào cây rau nhót sẽ mọc nhiều.
Rau nhót thường mọc trong khu vực đồng muối. Nghề hái rau nhót giúp nhiều con nông dân ở Quỳnh Lưu kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn.
Bà Thủy cho biết, cứ 4 giờ sáng mỗi ngày, bà tìm đến một số cánh đồng muối trên địa bàn huyện để hái rau nhót, có những ngày bà hái được khoảng gần 10 kg rau. Một buổi sáng bà cũng kiếm được 80 - 100 nghìn đồng.
“Rau nhót thường hái quanh năm, nhưng hái rau vào tháng Giêng đến tháng 5 thì sẽ ngon hơn bởi thời tiết mát mẻ nên rau mọc nhiều”- Bà Thủy chia sẻ.
Cứ 4 giờ sáng hàng ngày, em Hồ Thị Hương, ở An Hòa theo người lớn đi tìm hái rau nhót ở các đồng muối. Mỗi ngày em hái khoảng 4 - 6 kg rau, thu nhập 50 nghìn đồng.
Trước đây, nghề hái rau nhót ở Quỳnh Lưu chỉ có khoảng 10-15 người, nhưng vài năm trở lại đây, khi rau nhót trở thành món ăn khoái khẩu của người dân nên số lượng người đi hái rau nhót tăng lên 30 - 40 người.
Em Hồ Thị Hương học sinh lớp 8, trường THCS xã An Hòa cũng đã gắn bó với nghề hái rau nhót được 3 mùa hè. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cứ nghỉ hè là Hương lại theo các bà, các bác trong xóm đi tìm hái cây rau nhót.
Em đi khắp các cánh đồng muối trong huyện từ An Hòa đến Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận rồi Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, mỗi buổi sáng từ 4 giờ đến 9 giờ, Hương cũng hái được khoảng 4 đến 6 kg rau. Trung bình 1 kg rau nhót bán với giá 10.000 đồng.
Thời tiết mát mẻ, có mưa, rau nhót ra lộc nhiều.
Rau nhót thường được người dân Quỳnh Lưu mua về để làm nộm, kết hợp cùng với lạc, đường, ớt, lá chanh, giá, cà rốt... Nộm rau nhót ăn kèm với bánh mướt, bún lá đã làm nên thương hiệu của ẩm thực Quỳnh Lưu và được nhiều người trong và ngoài huyện biết.
Bà Phạm Thị Mỹ (55 tuổi) là người chuyên thu mua rau nhót ở xã Quỳnh Thọ cho biết: Mỗi ngày bà thu mua khoảng 50 - 70 kg rau nhót của người dân, sau đó gửi xe ô tô vận chuyển ra Hà Nội, TP.Vinh bán cho khách hàng.
Rau nhót sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Người dân dùng rau nhót để làm nộm, ăn ghém với bánh mướt, bún lá...