Kết thúc điều tra vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines về tội Tham ô tài sản. Riêng đối tượng Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), đề nghị truy tố về tội Rửa tiền.
Ảnh bị can Giang Kim Đạt
Kết luận điều tra cho biết, qua các phi vụ làm ăn, Giang Kim Đạt được đối tác chuyển khoản gần 16 triệu USD. Để che dấu nguồn tiền bất hợp pháp này, Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, sau đó đem gửi tiết kiệm, mua ôtô và 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai ở vị trí đất "vàng" ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang (Khánh Hòa)...
Với hành vi giúp sức cho con trai, ở giai đoạn đầu của vụ án Giang Văn Hiển bị điều tra về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên khi kết thúc điều tra, cơ quan Công an cho rằng hành vi của ông Hiển là rửa tiền nên đề nghị Viện KS truy tố theo tội danh này.
Theo ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, lần đầu tiên trong Bộ luật hình sự (LHS) năm 1999 có quy định tội danh Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 251). Đến năm 2009, khi sửa đổi bổ sung Bộ LHS, điều luật trên được sửa đổi thành tội Rửa tiền. Mặc dù có quy định nhưng rất hiếm có trường hợp người phạm tội bị xử lý về tội Rửa tiền. Có những vị thẩm phán, luật sư rất nhiều năm làm công tác tố tụng cho biết họ chưa từng thấy có trường hợp nào bị xử lý về tội Rửa tiền.
Theo các luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam, dấu hiệu của tội phạm rửa tiền là: Người thực hiện hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có để tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
Cũng theo các luật sư, qua thông tin ban đầu thấy bị can Giang Văn Hiển có hành vi như trực tiếp mở nhiều tài khoản ở ngân hàng để rút ngoại tệ nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền. Tiếp theo là bị can này sử dụng nguồn tiền kể trên để mua nhà. Vấn đề mấu chốt ở đây là nếu chứng minh được Giang Văn Hiển biết rõ nguồn tiền mà bị can đã giao dịch ở ngân hàng, sau đó sử dụng mua nhà là tài sản do con trai phạm tội mà có thì hành vi của bị can thỏa mãn yếu tố cấu thành tội Rửa tiền mà Bộ LHS đã quy định.