- Ngư dân vay vốn đóng tàu theo quy định tại Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP phải có điều kiện gì? Và việc thẩm định cho vay của Tổ chức tín dụng được quy định thế nào, thưa luật sư?
Đối tượng, điều kiện ngư dân được vay vốn đóng tàu mới được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4, Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2014 của Chính phủ như sau: “ Các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.”. Và được cụ thể hóa tại Điều 4, Thông tư số: 22/2014/TT-NHNN ngày 15 tháng 08 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Chủ tàu có tên trong danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; …phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.”. Việc thẩm định và quyết định cho vay được thực hiện theo quy định tại Điều 15, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó khoản 2, điều 15 Quyết định này nêu rõ: Tổ chức tín dụng xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng để quyết định cho vay.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội.
- Đối chiếu với quy định trên, luật sư đánh giá thế nào về việc Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi từ chối không cho ngư dân Nguyễn Anh Tuấn vay tiền?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 10, Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP thì để được vay vốn trước tiên ông Tuấn phải được UBND xã nhận thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 4, Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP (có nghĩa là UBND xã xác nhận ông Tuấn đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể). Sau đó UBND huyện thẩm định và cuối cùng là được UBND tỉnh phê duyệt. Thông tin báo phản ánh cho thấy, ông Tuấn đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Điều đó có nghĩa sau khi thẩm định, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều khẳng định ông Tuấn đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể.
Trong văn bản của Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi từ chối không cho ông Tuấn vay tiền bởi 2 lý do: Ông Tuấn không có kinh nghiệm đối với nghề lưới rê; Dự án không khả thi và không có hiệu quả. Lý do này có phần trái ngược với thẩm định nêu trên của chính quyền các cấp và chưa thuyết phục. Có thể chuyển sang nghề lưới rê ông Tuấn chưa có kinh nghiệm, khó khăn ban đầu có thể không tránh khỏi, nhưng ông Tuấn vốn là ngư dân nên điều đó sẽ dễ thích nghi. Anh ngồi bàn giấy mà lại đánh giá nghề đánh bắt cá như thế thì e rằng võ đoán. Vả lại anh lấy lý do gì mà bảo Dự án không khả thi và không có hiệu quả? Không khả thi là vì sao? Không hiệu quả ở chỗ nào? anh phải chỉ ra chứ! Đã cho người ta làm đâu mà bảo là không khả thi, không hiệu quả? Người ta long đong, lật đật mấy năm trời, tốn kém mấy trăm triệu đồng mà kết quả là tay không thì ít nhất cũng phải cho người ta một câu trả lời thỏa đáng, có lý, có tình. Gọn lỏn mấy câu như thế là quá vô cảm.
Ngân hàng là một doanh nghiệp, một đơn vị kinh doanh, làm sao phải giúp cho khách hàng của mình giải quyết được công việc một cách hiệu quả, nếu trong quá trình thẩm định, còn điều gì chưa rõ cần tìm cách tháo gỡ và cùng khách hàng đưa ra giải pháp để đến kết quả cuối cùng, có lợi cho người vay và ngân hàng.
Hơn nữa từ những thông tin phản ánh của ông Tuấn trên báo thì dường như chỉ dẫn của Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi đều hướng tới Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng!? Có gì khuất tất trong việc này không?
Để đảm bảo quyền lợi cho ông Tuấn, UBND tỉnh Quảng Ngãi cần yêu cầu Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi giải trình, làm rõ và có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ông Tuấn được vay vốn sản xuất.
Cảm ơn luật sư!