Dân Việt

Lạ mắt với mồng tơi tím

Công Xuân 29/06/2016 06:30 GMT+7
Dù công dụng, cách trồng không khác gì loại thường, thế nhưng nhiều người dân ở các vùng "thủ phủ" rau như xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi đều không biết vì sao mồng tơi tím lại ít thấy ai trồng.

Nếu như loại được trồng phổ biến ở nước ta là mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt... thì mồng tơi tím có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ.

img

Màu sắc của lá và thân của giống mồng tơi này có màu tím nên được gọi là mồng tơi tím

img

Cũng như loại thông thường, mồng tơi tím là loại dây leo quấn, thân mập và nhớt, có tuổi thọ từ 2-3 năm. Lá mồng tơi dày hình tim, mọc xen. Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, màu trắng hay tím đỏ nhạt. Quả mọng, nhỏ, hình cầu hoặc trứng, dài khoảng 5–6 mm, có màu xanh khi non và màu tím đen khi chín.

img

Một phần thân

img

 và đọt của dây mồng tơi tím

Mồng tơi là giống mọc hoang dại nên không kén đất, rất dễ trồng và chăm sóc, sinh trưởng nhanh, với chiều dài thân dây có thể hơn 10m. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận tràng. Nước ép từ quả mồng tơi dùng trị đau mắt. Theo một số tài liệu đông y thì toàn thân mồng tơi có vị ngọt nhạt, tính hàn, tán nhiệt, mát máu, lợi tiểu, giải độc, chống đau...

img

Dù công dụng, cách trồng hai loại mồng tơi như nhau nhưng mồng tơi tím lại ít người trồng.

Nhiều người dân ở các vùng "thủ phủ" rau, như xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, T.P Quảng Ngãi đều không biết vì sao mồng tơi tím lại ít thấy ai trồng. Vì vậy không ít người khá ngạc nhiên khi nhìn thấy giống mồng tơi tím này.

img

Mồng tơi tím (trong rổ) đặt cạnh cây mồng tơi thông thường.

Bà Nguyễn Thị Sương (46 tuổi, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ giàn mồng tơi tím cho biết: "Giống do một người quen ở phía bắc mang vào cho. Việc trồng chủ yếu là để sử dụng nấu canh trong gia đình. Thỉnh thoảng một số hộ ở gần thấy lạ cũng đến xin hái để về chế biến làm thức ăn trong gia đình".