Thống kê của hai bệnh viện nhi lớn tại TP.HCM, hiện nay trung bình mỗi ngày có hơn 300 bệnh nhi đến khám, nhập viện điều trị do bị SXH.
Nhiều bệnh viện quá tải do có quá nhiều bệnh nhi đến khám và điều trị SXH. |
Bệnh viện quá tải
Cụ thể, tại Khoa SXH - Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trường hợp trẻ mắc SXH. Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày cao điểm ở trung tuần tháng 7 đã tiếp nhận đến gần 300 trường hợp đến khám do nghi ngờ mắc SXH. Số bệnh nhi nhiều đến nỗi quá tải khoa điều trị SXH, phải “ở nhờ” các khoa khác. Và điều đáng báo động nữa, số bệnh nhi mắc bệnh ở thể nặng lên đến 15 – 20%.
Theo Bộ Y tế, cộng tích luỹ số bệnh nhân SXH thì từ đầu năm tới nay, cả nước đã có 23.000 trường hợp mắc SXH, 22 người đã tử vong. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: “Điều đáng lo ngại là dịch lan ra diện rộng ở 35 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực miền Nam có số bệnh nhân mắc cao nhất, chiếm 90% số bệnh nhân”. Các tỉnh có tỷ lệ người mắc SXH cao là TP.HCM, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang...
Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch yêu cầu các cơ sở y tế địa phương sẵn sàng ứng phó trong tình hình dịch SXH bùng phát. Cũng theo ông Hiển, đầu tháng 5.2011, nhằm đối phó với nguy cơ dịch SXH bùng nổ, Viện đã tổ chức 20 lớp tập huấn thực hiện giám sát bệnh nhân tại các tỉnh trọng điểm và tiến hành thử nghiệm với hóa chất diệt muỗi phun ULV, thử độ nhạy cảm của muỗi với hoá chất diệt muỗi... Đặc biệt, Viện và các sở y tế cũng thực hiện in pano, tờ rơi tuyên truyền để người dân cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện vệ sinh nơi ở và cá nhân, mắc màn khi ngủ.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Viện và Bộ Y tế, cơ quan chống dịch ở địa phương rất thờ ơ. Ngay tại Hà Nội, một số điểm từng bùng phát bệnh SXH như ở phố Thái Hà (Hà Nội) cũng hầu như không có bất cứ động thái gì giám sát bệnh. Bà Bùi Thị Nhân - một người từng mắc SXH cho biết: “Năm 2010, tôi mắc SXH và có báo lên phường để yêu cầu cử người xuống khử trùng nhưng chẳng ai quan tâm. Hiện giờ, dịch có thể quay lại cũng chẳng thấy ai khuyến cáo”.
Lo ngại dịch chồng lên dịch
“Không thể lơ là cảnh giác với SXH” là điều được nhiều chuyên gia trong ngành đặc biệt lưu ý vào thời điểm này. Bác sĩ Minh Tiến – Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo: Những cơn mưa đầu mùa báo hiệu bệnh sốt xuất huyết đang rình rập tấn công trẻ em...
Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế đang lo ngại về dịch SXH bùng phát sẽ “chồng lên” dịch tay chân miệng đang hoành hành, gây thêm nhiều nguy cơ sức khỏe với người dân, đặc biệt là trẻ em, và khó khăn cho hoạt động của ngành y tế.
Ông Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh: Các trường học, nhà trẻ cần tuân thủ triệt để các hướng dẫn phòng tránh việc lây lan bệnh (như đóng cửa trường học 10 ngày nếu có học sinh bị bệnh tay chân miệng) và khử trùng nơi có bệnh nhân SXH.
Minh Anh - Minh Nguyệt- Nguyễn Mai