Dân Việt

Để phát huy vị trí "đầu tàu", TP.HCM kiến nghị gì với Thủ tướng?

Hứa Phương 27/06/2016 16:56 GMT+7
Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, lấy lại vị trí về kinh tế, văn hóa..., UBND TP.HCM đã có kiến nghị cơ chế đặc thù với Thủ tướng Chính phủ.

Chiều 27.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Tham dự buổi gặp còn có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ và gần 10 Bộ trưởng các bộ liên quan. Đây được coi là cuộc gặp lớn nhất giữa Chính phủ và TP.HCM kể từ khi các chức danh nhân sự chủ chốt của Chính phủ và thành phố được kiện toàn sau Đại hội Đảng lần thứ 12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là buổi làm việc để xử lý những kiến nghị về cơ chế, chính sách của TP.HCM.

Thủ tướng đề nghị, do thời gian làm việc ngắn nên những người tham gia cần phát biểu ngắn, đúng trọng tâm những kiến nghị trong phạm vi mình phụ trách.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM

“Mỗi lần vào thành phố là chúng ta tạo ra những điều kiện về cơ chế chính sách cho thành phố phát triển chứ không phải vào để khóa lại sự phát triển của thành phố” - Thủ tướng khẳng định.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM thay mặt thành phố trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Theo đó, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa tăng 7,47%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,3%, thu ngân sách đạt gần 144.000 tỷ đồng, tăng 8,08% so với cùng kỳ, đạt 48,26% dự toán…

Ông Phong cũng kiến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ 7 nội dung, cụ thể:

Kiến nghị phân cấp mạnh cho thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của địa phương. Còn lĩnh vực phí và lệ phí, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức bộ máy…kiến nghị Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 60 Luật Thủ tục hành chính năm 2015.

Về một số cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố, hiện nay Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định 61/2014/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố. Tuy nhiên, nhiều nội dung nêu trong dự thảo nghị định mới, chưa tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm lực tài chính để phát triển, thậm chí một số quy định còn trói buộc hơn so với các Nghị định hiện hành.

Kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố chủ động xây dựng dự thảo nghị định và làm việc thống nhất với các Bộ, ngành rồi trình Chính phủ. Trong đó cần có đặc thù cho thành phố như tỷ lệ điều tiết Chính phủ cần giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại ngân sách cho thành phố như hiện nay là 23% kể từ năm 2017 và ổn định trong 10 năm, phân cấp nguồn thu, cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu.

img

Quang cảnh buổi làm việc.

Về xử lý nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP.HCM, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp thành phố, tăng cường công tác hậu kiểm điểm việc triển khai thực hiện phương án phê duyệt của Bộ Tài chính đối với 102 địa chỉ nhà, đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, kiên quyết thu hồi đối với nhà đất đang tiếp tục sử dụng chưa đúng mục đích, công năng, bỏ trống…

Ngoài ra thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận việc đặt trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên đại bàn TP.HCM, cho phép thành phố nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn, kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn thành phố như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai…