Dân Việt

Phát triển KT-XH vùng 4 dân tộc rất ít người: Bao giờ được bằng chị, bằng em?

Lê San 28/06/2016 20:51 GMT+7
Đề án “Phát triển kinh tế- xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định 1672 (gọi tắt đề án 1672) của Thủ tướng Chính phủ có mục tiêu đưa mức sống của đồng bào 4 dân tộc này đến năm 2020 tương đương với mức sống của các dân tộc khác.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực tế, theo đánh giá của những người thực hiện thì đề án vẫn còn “ngổn ngang”.

Chính sách giẫm chân lên nhau

Xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) có hơn 95% dân số là người La Hủ. Đây là xã vừa thuộc diện đặc biệt khó khăn vừa được hưởng chính sách đặc thù theo đề án 1672. Theo ông Vàng Lỳ Sơn - Chủ tịch UBND xã Bum Tở, việc thực hiện chính sách đang có sự chồng chéo, trùng lẫn nhiều, trong đó hợp phần hỗ trợ sản xuất của 2 chính sách 135 và 1672 giống nhau đến 90%. “Với xã đặc thù như La Hủ, tôi cho rằng không nên đưa nhiều chính sách như vậy vì rất khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Chúng tôi phân biệt được các chính sách, chứ người thụ hưởng rất hay nhầm lẫn giữa 135 và 1672, do nội dung hỗ trợ giống nhau, như cùng hỗ trợ giống, phân bón, máy móc sản xuất” – ông Sơn cho hay.

img

Trong 4 dân tộc, người Cống ở Điện Biên có sự phát triển, thay đổi nhiều nhất nhờ đề án này. Ảnh:  L.S

Trong 4 dân tộc, người La Hủ có số dân đông nhất khoảng 10.000 người. Thấp nhất là người Cống với hơn 2.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo ở 4 dân tộc này chiếm tới 80% trong tổng số 20.000 dân. Đáng lưu ý là mới có 123 người học hết cấp 3.  

Trong khi đó, những thứ người dân mong mỏi lại không được đáp ứng. Theo đề án 1672, 58 hộ dân tộc Cống ở bản Nậm Phìn, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè sẽ được đầu tư một con đường kiên cố từ bản Nậm Hản vào Nậm Phìn để các hộ không còn phải vượt 6km đường mòn với nhiều suối, dốc như hiện nay, đồng thời điện sẽ kéo về tận từng hộ gia đình. Nhưng từ khi triển khai đến nay, đường mới, điện sáng vẫn chỉ là trong “kế hoạch”. Theo Trưởng bản Lò Xé Lòng, đề án chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo. Theo đó, bà con được Nhà nước đầu tư tấm lợp, phân bón, giống cây, máy móc. “Với chúng tôi, những hỗ trợ đó cũng cần, nhưng cấp thiết hơn vẫn là đường đi lại, điện nước để dùng. Có thế dân mới phát triển được” - ông Lòng nói.

Điều chỉnh lại đề án

Ông Nguyễn Trọng Toản - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã quá quen với các chính sách hỗ trợ từ T.Ư cho bà con tỉnh nhà. Mừng vì được Nhà nước quan tâm nhưng lo cũng nhiều. Bởi khi trải các văn bản chính sách lên mặt bàn mới thấy cái sự na ná, thiêu thiếu, lặp lại của nhau. Ông Toản chia sẻ: “Chúng ta nghĩ ra nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng mỗi thứ chỉ cho một ít, không đủ để tạo sự bứt phá cho cả người dân lẫn địa phương. Chính sách chỉ được gọi là đặc thù chứ chưa chạm tới nội hàm của hai chữ “đặc thù”, bởi giẫm chân lên nhau về phương thức thực hiện, vì thế những khoảng trống, vùng trắng và cả hạn chế cũng giống nhau. Cần tập trung vào một đầu mối và nâng mức hỗ trợ thì mới bứt phá được”.

img

Người La Hủ tập trung chủ yếu ở huyện Mường Tè (Lai Châu) và số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Ảnh:  L.S

Sau 3 năm, đề án mới thực hiện được 26/307 công trình, vốn còn thiếu trên 302 tỷ đồng. Đề án mới hoàn thành được 5/23 tiêu chí.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đề án 1672 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định từ năm 2011 nhưng tới 2 năm sau (2013) mới cân đối được nguồn vốn để triển khai. Và nay, sau khi giai đoạn 1 đã kết thúc, dự án cũng mới phân bổ được 40% tổng số vốn đến các địa phương. Số vốn hạn hẹp, lại cấp nhỏ giọt nên dẫn đến tình trạng nhiều công trình sau khi thẩm định vốn tăng lên 150 - 200%, có công trình vốn đầu tư ban đầu 7 - 8 tỷ đồng, sau tăng lên tới 50 - 60 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Trọng Toản, tỉnh Lai Châu đã thành công trong việc phát triển 2 dân tộc Cống và Si La, thì không có cớ gì lại thất bại ở 2 dân tộc rất ít người còn lại là Mảng và La Hủ. “Trong thời gian tới, Nhà nước nên tiến hành rà soát, điều chỉnh tổng thể dự án để có giải pháp sắp xếp lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng hợp lý, triển khai tái cơ cấu nông nghiệp… Phải có một dự án đủ sức, đủ tầm mới giúp các dân tộc này có sự đổi thay rõ rệt” – ông Toản nhấn mạnh.