TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng: “Dừng hoạt động của xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2025 đang thiếu cơ sở thực tế. Vì tới thời điểm năm 2016 xe buýt Hà Nội mới đảm đương được gần 10% nhu cầu, nhưng thực tế có lẽ còn chưa đạt được con số này. Trong 9 năm tới, có thể thêm được 2 - 3 tuyến metro như Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn – ga Hà Nội, vẫn chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu đi lại”.
Theo TS Thủy, đến năm 2030 và xa hơn nữa, nhu cầu sử dụng xe máy mới dần bớt đi. Còn trong 10 năm tới, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng của người dân.
“Dự báo đến năm 2025 nếu thành công thì giao thông công cộng mới đạt 20%. Vậy 80% còn lại người dân vẫn phải là xe máy và ô tô là chính. Nếu nội thành cấm xe máy, người dân đi bằng gì là điều mà cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ” - TS Thủy cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc cấm xe máy năm 2025 là thiếu cơ sở thực tế.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Dân Việt về vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, TS Lương Hoài Nam cho rằng: “Hà Nội cần có lộ trình hạn chế, tiến tới cấm hoàn toàn xe máy sau 10 năm, tối đa là 20 năm”.
Theo ông Nam, hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP.HCM đã đủ để phát triển xe buýt. Vấn đề là do có quá nhiều xe máy nên xe buýt không thể phát triển được.
“Nếu cứ để 700 xe máy/km đường như ở Hà Nội bây giờ thì rất khó phát triển xe buýt. Với mật độ xe máy như vậy, xe buýt vừa khó chạy, vừa dễ gây tai nạn cho người đi xe máy. Do vậy phải hạn chế xe máy thì xe buýt mới có đường chạy được” - ông Nam đề xuất.
Trước đó, ngày 27.6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội đã cho ý kiến về chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo đó, dự thảo chương trình đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu để tiến tới có một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 20 - 25% (trong đó đường sắt đô thị 1 - 3%); Diện tích đất dành cho giao thông tăng đạt 10 - 13% đất đô thị; Phấn đấu trồng một triệu cây xanh; Hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi…
Dự thảo Chương trình cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân.
Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng: “Để giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề ùn tắc giao thông thì phải phát triển các hình thức vận tải công cộng khối lượng lớn, để thực hiện mục tiêu đặt ra vẫn chủ yếu là xe buýt”.
Chính vì thế TP.Hà Nội cần nhanh chóng có đề án phát triển xe buýt, tăng từ 1,5 - 2 lần như hiện nay cả về quy mô, số tuyến.