Số đầu lợn, gia cầm ngày càng tăng
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tại các tỉnh phía Nam và hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2016 theo giá so sánh 2010 ước đạt 397.400 tỷ đồng, bằng 99,92% so cùng kỳ 2015.
Số đầu lợn trong nước ngày càng tăng (trong ảnh, người dân Đan Phượng, Hà Nội phát triển mạnh nghề nuôi lợn siêu nạc). Ảnh: Trần Quang
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi có mức tăng trưởng cao nhất với 4,7% do lĩnh vực chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt. Ước tính tổng số lợn cả nước 6 tháng đầu năm đạt 28,3 triệu con, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2015; số gia cầm đạt 341,5 triệu con, tăng 4,3%. Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chăn nuôi lợn tăng là do những tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu được nhiều lợn sang Trung Quốc. Tuy vậy, theo ông Dương, chăn nuôi lợn hiện nay phát triển quá nhanh, tiềm ẩn nhiều mối nguy về ô nhiễm môi trường. “Hiện Trung Quốc đã đóng cửa nhiều trại chăn nuôi lợn vì gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, họ phải quay sang nhập khẩu lợn của nước ta”- ông Dương nhận định.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, 6 tháng đầu năm giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng lúa giảm 7,26%; Rau các loại giảm 0,4%. Riêng sản lượng vải giảm 16%.
Về thị trường trong nước, nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến giảm mạnh. Giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng do thời tiết khô hạn tại nhiều vùng trồng cà phê chủ chốt trên thế giới. Đồng thời, giá tiêu trong nước cũng tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 5 và 6 do hiện tượng El Nino làm giảm sản lượng ở nhiều nước trồng tiêu, trong đó có Việt Nam. Thời tiết nắng nóng và hạn hán kéo dài nhiều tháng qua làm sản lượng nhiều loại trái cây giảm, khiến giá nhiều loại trái cây như xoài, vải, sầu riêng tăng. Đối với rau, củ, giá nhiều loại tăng mạnh trong khi sản lượng lại hạn chế.
Giá thịt, trái cây biến động
Hiện giá rau và thịt tại thị trường trong nước có khá nhiều biến động. Về thịt, trong tháng 6, giá thu mua lợn hơi tại nhiều địa phương vẫn đang diễn biến theo xu hướng giảm. Theo đó, giá thu mua lợn hơi tại trại ở khu vực Đông Nam Bộ đã giảm 3.500 đồng/kg, xuống mức 45.000 đồng/kg; tại các tỉnh ĐBSCL giảm 1.000 đồng/kg, xuống mức 46.500 đồng/kg; tại Nam Định giảm 2.000 đồng/kg, xuống mức 42.000 đồng/kg. Cùng chiều với giá lợn hơi, giá thu mua gà công nghiệp lông màu và lông trắng cũng đang diễn biến theo xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào.
Đối với rau quả: Thị trường trái cây có nhiều biến động do hiện nay là chính vụ của nhiều loại trái cây trên toàn cả nước. Cụ thể, vườn vải tại Bắc Giang đã chính thức vào mùa với mức giá dao động 30.000–32.000 đồng/kg tùy loại, gấp rưỡi cùng kỳ, thậm chí giá có thể lên tới 35.000–40.000 đồng/kg đối với hàng tuyển. Tại Đồng Nai, chôm chôm thường bán cho thương lái chỉ còn từ 4.000-5.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép từ 24.000-25.000 đồng/kg, bơ tùy loại có giá dao động từ 20.000- 30.000 đồng/kg.
Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm Cũng theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong 6 tháng qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng có mức tăng trưởng cao, đạt 15,4 tỷ USD, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như cà phê, hạt điều, thủy sản… đều tăng cao do được giá. Riêng mặt hàng cà phê, tính đến nay đã xuất khẩu được xấp xỉ 1 triệu tấn với giá trị 1,71 tỷ USD, tức tăng tới gần 40%. Tương tự, các mặt hàng thủy sản, hạt điều, hồ tiêu, sắn đều có mức tăng trưởng khá cao. N.L |