Dân Việt

Phó tổng biên tập tạp chí treo cổ tự tử đầy uẩn khúc

Ngô Tuyết/Vietnamnet 28/06/2016 09:49 GMT+7
Có nguồn tin nói, ông Chí treo cổ tự tử tại phòng làm việc vào sáng sớm ngày 26.6. Còn mạng Tài Tân cho biết, ông Chí treo cổ tại tầng hầm để xe ở trụ sở tạp chí.

Tờ Nhân dân Nhật báo chiều 26.6 đưa tin, Phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị - Chu Thiết Chí đã không may từ trần, nhưng không nêu chi tiết.

Tuy nhiên, theo mạng Ifeng, ông Chí treo cổ tự tử tại phòng làm việc vào sáng sớm ngày 26.6. Còn mạng Tài Tân cho biết, ông Chí treo cổ tại tầng hầm để xe ở trụ sở tạp chí. Tin ông Chí treo cổ tự tử đã gây chấn động cả giới chính trị và văn nghệ. Ngày 27.6, Ban biên tập Cầu Thị đã họp bàn giải quyết vấn đề hậu sự.

img

Ông Chu Thiết Chí.

Ông Chu Thiết Chí sinh năm 1960, quê ở Cát Lâm, tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Bắc Kinh. Ông Chí từng là phóng viên báo Thể thao Trung Quốc, Ủy viên Ban Biên tập tạp chí Hồng Kỳ, Ủy viên Ban biên tập rồi Phó tổng biên tập Cầu Thị (được đổi tên từ Hồng Kỳ vào tháng 7/1998).

Chu Thiết Chí còn là một nhà văn chuyên viết tản văn nổi tiếng, hiện là hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, Phó hội trưởng thường trực Hội Tạp văn Bắc Kinh, đã xuất bản 9 tập tản văn và nhiều tác phẩm đăng báo, tạp chí, chủ biên nhiều tuyển tập tản văn lớn, được trong giới đánh giá cao.

Hoạt động cuối cùng của ông được ghi nhận là vào ngày 16/6, khi ông tham gia cuộc hội thảo về sáng tác tản văn thời đại mạng internet di động do Hội Tạp văn Bắc Kinh và Nhật báo Kiểm sát phối hợp tổ chức. Ông Chí là cán bộ cấp Cục trưởng, diện Trung ương quản lý.

Theo trang mạng DWnews, thì việc tự sát của ông Chí có liên quan đến vụ án Lệnh Kế Hoạch đang trong quá trình điều tra. Một tuần trước khi Hoạch bị bắt, Cầu Thị đã đăng một bài của Hoạch với giọng điệu lấy lòng ông Tập Cận Bình. Trong bài báo dài chỉ 4.000 chữ, Hoạch trích dẫn lời ông Tập ít nhất 16 lần.

Ngày 18/10/2015, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) đã đăng tải kết quả thanh tra, giám sát đối với vấn đề chống tham nhũng ở Cầu Thị.

Kết quả nêu rõ, bài báo không giữ nghiêm cửa ải chính trị, xuất hiện lỗ hổng, tồn tại vấn đề đăng bài theo tình cảm, lôi kéo quan hệ, ngoài ra còn có biểu hiện nhận tiền để đăng bài, vi phạm kỷ luật tuyên truyền...

Việc đăng được bài trên Cầu Thị thường được xem là “thành tích chính trị”, “sự khẳng định”, nên các bài viết thường phải “xếp hàng” rất lâu, do đó nảy sinh kẽ hở dẫn tới tiêu cực.

Hôm 12/6, ông Lưu Tiểu Hoa, Phó tổng thư ký tỉnh ủy Quảng Đông cũng treo cổ tại nhà riêng ở Quảng Châu. Đáng chú ý, ông Hoa vốn là Bí thư thành ủy Trạm Giang, sau khi ông chết, cơ quan truyền thông mới thông báo ông đã được điều đi khỏi Trạm Giang cách đó 78 ngày để giữ chức Phó tổng thư ký tỉnh ủy.

Nguyên nhân ông Hoa tự sát không được công bố, nhưng theo “Ifeng”, có tin nói ông đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật “hẹn nói chuyện”, nên người ta phán đoán có thể do sợ tội nên tự tìm đến cái chết. Lễ tang ông Hoa tổ chức ngày 15/6 cũng không có điếu văn như thông lệ.