Dân Việt

Bão số 3: Trời yên, biển lặng... ở tâm bão

01/08/2011 08:05 GMT+7
(Dân Việt) - Sự thật là cơn bão số 3 không “hết sức phức tạp, cực kỳ nguy hiểm, mạnh cấp 10, cấp 11 giật trên cấp 12, cấp 13” như ngành dự báo khí tượng thuỷ văn thông tin.

Trời yên, biển lặng... ở tâm bão

Được dự báo là nơi tâm bão sẽ đổ bộ, nên chính quyền và nhân dân Thanh Hoá đã căng hết mình để đối phó. Cùng với di dời hàng nghìn người dân, các ngành chức năng cũng lên kế hoạch dự trữ 600 tấn gạo tẻ; hơn 10.500 thùng mì tôm; 1.760 thùng nước uống... để phục vụ nhân dân các huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập, chia cắt khi có mưa lũ; bố trí hàng trăm phương tiện cứu hộ, cứu nạn…

img
Người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa bồng bế nhau đi sơ tán tránh bão ở trường học.

Tại thị xã Sầm Sơn, ngay từ sáng sớm, các lực lượng chức năng đã yêu cầu khách du lịch rời vùng biển, các cửa hàng, khách sạn cũng được yêu cầu đóng cửa, neo giữ để chống bão... Tại các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc, tàu thuyền ồ ạt vào luồng tránh bão, người dân đóng chặt cửa, tích trữ lương thực...

Thế nhưng, khi bão về, tại Sầm Sơn chỉ có vài đợt sóng bạc đầu lớn hơn ngày thường một chút, còn gió thì rất nhẹ. Tại ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc), thời điểm bão về cũng trời yên biển lặng. Một người dân hài hước: "Cơn bão này đúng là bão... muỗi”.

Còn ông Trần Văn Dụng ở huyện Triệu Sơn, cho rằng: "Chẳng biết họ dự báo bão thế nào, nhưng tôi thấy càng ngày càng sai. Chỉ thấy tốn kém tiền của Nhà nước trong việc điều hành, chỉ đạo và người dân được phen hoảng loạn…”.

Tại Nghệ An trong chiều 30.7, toàn tỉnh đã di dời được 4.947 hộ dân với gần 17.900 người ở các huyện vùng biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò. Tất cả chính quyền và nhân dân Nghệ An đều vào cuộc sẵn sàng đối phó với cơn bão số 3.

Theo thông báo của NCHMF, đến 16 giờ ngày 30.7, tâm bão nằm trên vùng bờ biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tuy nhiên khi chúng tôi có mặt tại bờ biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu vào thời gian này thì sức gió nơi đây không mạnh, và mưa cũng không lớn. Khoảng 17- 18 giờ gió mới mạnh thêm nhưng cũng chỉ khoảng cấp 6 cấp 7, nhiều trẻ em còn chạy ra bờ biển nhặt ve chai và đùa nghịch. Đến khoảng 21 giờ gió ngừng, mưa ngớt, mọi việc trở lại bình thường.

Anh Phạm Văn Bắc (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) nói: "Nghe đài báo bão giật cấp 11, cấp 12 bà con ở đây lo lắm. Chiều 30.7, hơn 100 hộ dân chúng tôi đã di dời lên trường cấp 1, 2 của xã. Nhưng thấy chỉ có gió nhẹ nên chúng tôi về trong đêm cả. Chỉ có một số trẻ em và phụ nữ già yếu sáng ra mới về nhà. May thật, vậy là bão không đến”.

Anh Phan Huy ở khu tập thể Quang Trung, TP.Vinh kể: "Vì khu tập thể này đã quá cũ nát nên nghe thành phố thông báo di dời là chúng tôi đi ngay. Tuy vất vả di chuyển đồ đạc nhưng an toàn tính mạng là trên hết. Rất may, bão không mạnh như dự báo ban đầu. Bà con chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm”.

Dự báo luôn là công tác khó khăn?

“Đây là cơn bão cường độ rất mạnh, khi tiếp cận bờ nhiều khả năng bão còn mạnh đến cấp 11, giật cấp 11 đến 12 và có thể là giật đến cấp 13”. Đó là nhận định của ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư (NCHMF) trước ngày 29.7. Tuy nhiên, khi đổ bộ vào bờ chiều 30.7, theo ghi nhận thực tế đây chỉ là một cơn bão nhẹ.

Thực tế, cơn bão số 3 đã quét qua đảo Luzon của Philippines từ ngày 26.7 chỉ với cường độ mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 như chính bản tin dự báo hồi 13 giờ ngày 26.7 của NCHMF. Nhưng không hiểu sao, trong các bản tin tiếp theo, trung tâm này đã “nâng” cấp cho bão số 3 mạnh thêm 3 cấp khi đi vào Biển Đông khi cho rằng, sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi đổ bộ vào nước ta chiều tối 30.7, bão số 3 vẫn đạt cấp 11, giật cấp 12-13!.

Cũng NCHMF dự báo, khi bão vào sẽ gây mưa to đến rất to. Sáng ngày 31.7, phóng viên đã liên hệ với các Trạm Khí tượng đóng tại địa phương thì được biết: Đêm qua 30.7, các khu vực được xem là tâm bão cơ bản đã hết mưa, chỉ còn một vài điểm có lượng mưa nhỏ dưới 10mm. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh mưa giảm và từ 4 giờ sáng trở đi đã hết mưa; lượng mưa từ 19 giờ ngày 30.7 đến 1 giờ ngày 31.7 phổ biến từ 10 - 30mm. Với lượng mưa nhỏ giọt như vậy, cho thấy thực tế hoàn toàn trái ngược với thông báo trước đó của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư tính đến ngày 31.7, do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Nghệ An đã có 1 người thiệt mạng (do bị điện giật); 1 người ở Sơn La thiệt mạng do bị sét đánh.

Cũng do sự cảnh báo vượt mức của NCHMF, 5 tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã phải di dời hơn 11.800 hộ với trên 44.000 người trước trưa 30.7, gây thiệt hại lớn về vật chất, làm xáo trộn đời sống người dân, đặc biệt làm mất sự tin tưởng của người dân với cơ quan dự báo.

Hôm qua (31.7), phóng viên NTNN đã gọi điện cho ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc NCHMF để hỏi về việc dự báo thiếu chính xác về bão số 3. Ông Tăng chỉ nói: “Cái này khó lắm, không thuộc thẩm quyền của tôi, nên tôi không trả lời được. Phóng viên nên gọi cho ông Đức (Bùi Văn Đức- Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia-PV”. Khi chúng tôi gọi cho ông Đức lần thứ nhất có chuông, còn sau đó ông Đức đã tắt máy hoàn toàn.

Vẫn biết, công tác dự báo luôn khó khăn, nhưng việc dự báo đúng, chính xác về các cơn bão sẽ giúp cho các cơ quan chức năng, người dân sẽ có biện pháp đối phó thích hợp hơn với bão.