Ông nhận định gì về tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay trên địa bàn Hà Nội?
- Các hình thức BLGĐ hiện nay cũng diễn biến khá phức tạp và tinh vi hơn trước. Nó thể hiện “dữ dội, ồn ào” ở các gia đình có mức sống bình dân, tầng lớp lao động phổ thông và diễn ra “âm thầm, lặng lẽ” trong các gia đình tri thức.
Ngoài việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, thậm chí cuỡng hiếp… thì ở các gia đình trí thức, việc BLGĐ còn thể hiện ở sự khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình, xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc…
Theo ông, những ảnh hưởng của bạo lực lên mái ấm gia đình hiện đại trầm trọng đến mức nào?
- Gia đình luôn luôn được coi là tổ ấm, là nơi thỏa mãn những nhu cầu tình cảm, vật chất của các thành viên và bảo vệ họ trước những căng thẳng của cuộc sống. Chính vì vậy, sự xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng BLGĐ đã làm cho rất nhiều người bị bệnh tật, căng thẳng, đổ vỡ hôn nhân.
Một gia đình trẻ ở Hà Nội du xuân bên Hồ Gươm (ảnh minh họa). ảnh: VOV.VN
BLGĐ không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần tới các thành viên mà còn chất thêm gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Bởi lẽ, người bị bạo hành phải tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế cao hơn so với người bình thường. Đối với phụ nữ, nó không chỉ tổn thương về thể xác, tinh thần mà còn liên quan chặt chẽ đến vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Khi người bị đánh ốm đau, bệnh tật thì kinh tế ở các gia đình có BLGĐ cùng sa sút.
"Hậu quả của BLGĐ ai cũng nhìn thấy rõ, do đó việc xóa bỏ BLGĐ không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quốc gia trong phòng chống. Chỉ khi nào công tác phòng chống BLGĐ được triển khai có hiệu quả thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn yên bình và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình”. |
Đặc biệt, BLGĐ chất thêm gánh nặng cho hệ thống giáo dục. Bởi lẽ, trẻ em là những thành viên sống chung trong gia đình, nếu các em thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố hành hạ, đánh đập mẹ các em sẽ có những rối loạn tâm lý và sa sút trong học tập. Ngoài ra, trẻ thường có biểu hiện trầm cảm, buông xuôi, thậm chí có những hành vi bỏ nhà… đi bụi, vi phạm pháp luật hoặc tìm đến cái chết…
Hà Nội đã có những biện pháp quyết liệt gì để phòng chống nạn BLGĐ trong thời gian qua, thưa ông?
- Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã phối hợp các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phổ biến pháp luật về phòng chống BLGĐ. Sở đã phát 50.000 tờ rơi, tờ gấp về BLGĐ tới quần chúng, tổ chức triển lãm tranh, các cuộc thi tìm hiểu BLGĐ…
Ngoài ra, chúng tôi còn lồng ghép về tuyên truyền phòng chống BLGĐ vào các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn minh không có BLGĐ, ngược đãi trẻ em, người già, phụ nữ, không tảo hôn…
Bên cạnh đó, việc can thiệp và xử lý kịp thời các vụ việc BLGĐ diễn ra trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Tính đến tháng 5.2015, toàn thành phố có hơn 300 vụ việc BLGĐ được can thiệp, xử lý. Các biện pháp chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, hòa giải tại gia đình. Đối với những vụ gây hậu quả nghiêm trọng cũng được sự can thiệp của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân.
Những thông điệp được Hà Nội nhấn mạnh trong Ngày gia đình Việt Nam năm này là gì?
- “Gia đình – nguồn lực, trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình” – đó là 1 trong những thông điệp lớn và ý nghĩa. Để gia đình trở thành “nguồn lực” thì những giá trị tốt đẹp, nhân văn từ các mái ấm gia đình cần được nâng niu, trân trọng và tôn vinh. Chúng tôi muốn đi từ những điều nhỏ nhất là: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để truyền tải những thông điệp tới các gia đình: Yêu thương và chia sẻ mới có thể giữ gìn hạnh phúc; hãy trân trọng nhưng phút giây sum họp- đó chính là những giá trị vô giá làm lên hạnh phúc mỗi gia đình.
Xin cảm ơn ông!