Tôi có người họ hàng xa đã lớn tuổi bị ung thư phổi, ông cụ được phát hiện bệnh hơi muộn. Nhà ông cụ ở xã miền núi, ốm đau, bệnh tật đều “trăm sự cậy nhờ” bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Lần này cũng vậy, gia đình cũng cho ông nhập bệnh viện huyện điều trị. Sau gần 1 tháng thuốc thang nhưng không thấy thuyên giảm, các bác sỹ tại bệnh viện huyện có gọi người nhà tới, lắc đầu: “Ông cụ không có bảo hiểm, điều trị tốn kém lắm, chắc chỉ cầm cự được thêm vài ba tuần nữa, không qua khỏi đâu, thôi gia đình cho ông về lo hậu sự”.
Thế rồi, cả họ hàng, gia đình mua sắm đủ đầy, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để “đưa ông đi”. Thế nhưng, khi ông cụ về tới nhà, 2, 3 rồi 4 tuần trôi qua, mọi người vẫn chưa thấy “dấu hiệu ra đi” nào cả. Thế là theo lời khuyên của một người thân tại Thủ đô, gia đình quyết định đưa ông cụ ra điều trị vượt tuyến tại Hà Nội. Các bác sỹ tại bệnh viện tuyến trung ương sau khi thăm khám, cho làm xét nghiệm và hội chuẩn đã tiếp nhận điều trị. Sau mấy tháng nằm viện, khác với lần trước, lần này, ông cụ không những được xuất viện mà còn sống thêm được mấy năm.
Quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” không chừa một ai. Với người già là vậy, còn với những số phận bé bỏng thì sao?
Ngày 25.6 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ hoạt động chuyên môn 3 tháng, chuyển công tác 1 vị trưởng khoa sản cùng một số y, bác sỹ, hộ sinh của Bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung (Thanh Hoá) vì trước đó đã vội vàng kết luận một bé sơ sinh sẽ “chết trong vài phút” và khuyên gia đình “đưa về lo hậu sự”.
Số là, trước đó, sản phụ Phạm Thị Hương Ly (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) chuyển dạ sinh non ở tuần 28 và sinh được một bé gái trong tình trạng sức khỏe yếu. Các bác sỹ “giỏi nhất” về sản khoa của Bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung kết luận cháu bé chắc chắn sẽ tử vong, không thể cứu nổi và khuyên gia đình đưa bé sớm về nhà kịp lo hậu sự. Cả gia đình tin lời bác sỹ, đưa bé về nhà, mua cả tiểu sành chuẩn bị khâm liệm, chôn cất. Thế nhưng, trái ngược với nhận định chắc như đinh đóng cột của các bác sỹ tuyến huyện, cháu bé vẫn không có biểu hiện nào là sắp “ra đi”, thậm chí là còn có phần khỏe mạnh lên. Còn nước còn tát, gia đình quyết định đưa bé vượt tuyến lên Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa, sau 2 tháng điều trị tới lui, cháu bé đã xuất viện khỏe mạnh, về nhà.
Chị Phạm Thị Hương Ly và bé sơ sinh nay đã khỏe mạnh.
Ở Việt Nam và nhiều nước khác, các bác sỹ khi chuẩn bị ra trường hành nghề đều phải đọc Lời thề Hippocrates. Tại nước ta, ngoài Lời thề Hippocrates, ngành Y còn quy định 12 điều y đức. Một trong những điều đó có nói: “Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết”.
Ngữ nghĩa của câu trên đã quá rõ. Nôm na là dù người bệnh nặng ra sao thì trách nhiệm của y, bác sỹ là bằng mọi giá, bằng mọi cách phải cứu chữa tới cùng, còn kết quả lại là việc khác. Rằng y, bác sỹ tuyệt đối không được có suy nghĩ và khái niệm “trả về”.
Thế nhưng, trái với quy ước đạo đức ngành y kể trên, như một thực tế “bất thành văn” vẫn tồn tại lâu nay, khái niệm “trả bệnh nhân về cho gia đình tiện lo hậu sự” vẫn án ngữ trong suy nghĩ, ý thức của không ít y, bác sỹ.
Và đương nhiên, chừng nào vẫn còn những y, bác sỹ còn suy nghĩ “trả bệnh nhân về” thì rõ ràng số này nên đi làm nghề khác bởi hơn ai hết bác sỹ không thể và không được là người đầu hàng đầu tiên trong cuộc chiến với bệnh tật dù trong bất kỳ tình huống nào.
Chừng nào vẫn còn tồn tại cái khái niệm “bệnh viện trả về” thì e rằng vẫn còn có những bệnh nhân dễ “chết oan” do chẳng may phó mặc sự sống vào những bác sỹ “thiếu kiến thức” hay “hạn chế về chuyên môn” như tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung (Thanh Hóa) chẳng hạn!