Cũng theo nguồn tin, Ban kiểm phiếu hiện đã có và đến 15h sẽ tiến hành kiểm phiếu của 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyển đến. Qua trao đổi với nhiều trưởng đoàn ĐBQH các địa phương, trong ngày 28.6, các đoàn ĐBQH của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã bỏ phiếu cho nghị quyết về việc xin lùi thời hạn thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hòm phiếu được niêm phong và văn phòng đoàn ĐBQH ở các địa phương đưa lên Tòa nhà Quốc hội để thực hiện việc kiểm phiếu.
Bộ luật Hình sự năm 2015 lẽ ra có thời hiệu thi hành từ ngày 1.7.2016, tuy nhiên do phát hiện ra hơn 90 lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến chính sách hình sự, cũng như nội dung của bộ luật nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xuất xin lùi thời hạn thi hành đến ngày 1.1.2017 để tiến hành sửa chữa những lỗi sai sót trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua. (Ảnh: Zing)
TS Đinh Xuân Thảo (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, ngoài việc Bộ luật Hình sự năm 2015 xin lùi thời hạn thi hành, các luật khác có liên quan cũng phải xin lùi thời hạn thi hành đó là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa chữa xong và có hiệu lực thi hành thì 3 luật kể trên cũng có hiệu lực thi hành.
"Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 luật kể trên có liên quan đến nhau, để thực hiện các luật trên đều phải dẫn chiếu các nội dung từ trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ để bắt tạm giam một người phạm tội để điều tra thì phải xem họ phạm tội ở mức nào, tạm giam trong bao lâu, như vậy phải dẫn chiếu từ Bộ luật Hình sự ra" - ông Thảo cho hay.
Trong thời gian chờ sửa Bộ luật Hình sự năm 2015, các cơ quan chức năng tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Nghị định số 89 năm 1998 ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam để xử lý tội phạm.