An ninh lương thực bị đe dọa
Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khi chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên; 20% dân số và trên 15% GDP của cả nước; đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp; gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn/năm), cung cấp 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu.
Vườn cây giống của anh Mai Tấn Thọ, huyện Chợ Lách, Bến Tre xơ xác bởi khô hạn,
xâm nhập mặn. Ảnh: HUỲNH XÂY
Các tỉnh, thành phải gắn xây dựng nông thôn mới với việc ứng phó BĐKH nhằm nâng cao mức sống người dân, nâng cao khả năng phòng vệ trong khu vực; quy hoạch đê điều, hồ chứa để bảo đảm khả năng an toàn và dự phòng khi tình hình bất thường; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, hiện nay tác động của BĐKH như nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền từ 100 - 120km; làm ảnh hưởng trên 230.000ha lúa đông xuân, 9.400ha cây ăn quả, trên 5.000ha nuôi trồng thủy sản; 250.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; sản lượng lúa vụ đông xuân vừa qua giảm trên 400.000 tấn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam và cả thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, hiện nay hạn hán đã qua nhưng các dự báo đều cho thấy xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, lũ, bão cực đoan có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn và thậm chí còn gay gắt hơn.
Xây dựng nhiều mô hình thích ứng
Phát biểu tại diễn đàn, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng trước đây người dân ĐBSCL thoải mái sử dụng nguồn nước để phục vụ sản xuất, nhưng hiện nay cục diện đã khác khi thượng nguồn có nhiều đập, hồ thủy điện. Do đó, cần có các mô hình sản xuất hiệu quả, có sự liên kết khu vực để đảm bảo sinh kế cho người dân và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.
Đại diện tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang có kế hoạch chuyển một số diện tích trồng lúa sang trồng dừa, đồng thời xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Còn ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Chúng tôi đang vận động người dân không sản xuất lúa vụ thu đông mà chuyển sang nuôi thủy sản, đồng thời quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững”.
Hiện nhiều tỉnh khác trong khu vực đang xây dựng các mô hình sản xuất bền vững, giảm dần diện tích trồng lúa, hạn chế canh tác 2 vụ lúa/năm… Tuy nhiên khó khăn hiện nay là các tỉnh đang thiếu vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong ứng phó BĐKH nên rất cần Nhà nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Nhiều ý kiến cũng đề nghị các tổ chức quốc tế có biện pháp can thiệp trong việc chia sẻ, sử dụng chung nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong để hạn chế thiệt hại cho ĐBSCL.