Dân Việt

Bao phủ bảo hiểm y tế thấp: Thờ ơ hỗ trợ hộ nông-ngư nghiệp

Diệu Linh 30/06/2016 06:15 GMT+7
“Để đạt tỷ lệ 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 khá khó khăn, tuy nhiên không phải không có căn cứ khả thi” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị triển khai công tác phát triển BHYT giai đoạn 2016 – 2020, diễn ra ngày 29.6.

Hướng tới 100%

Trước hội nghị một ngày, ngày 28.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1167 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giai đoạn 2016- 2020.

img

Cán bộ BHXH tuyên truyền cho các hộ gia đình buôn bán trên sông nước Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) tham gia mua thẻ BHYT. Ảnh: Dương Ngọc 

Ngày 29.6, BHXH Việt Nam bấm nút khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT trên toàn quốc. Theo đó, 14.000 đơn vị bao gồm hơn 13.000 cơ sở y tế và các đơn vị BHXH trên toàn quốc sẽ được “liên thông” với nhau về thanh toán BHYT. Đây được kỳ vọng là “mắt thần” để phát hiện ra các sai phạm, các nghi vấn trong thanh toán BHYT để kịp thời chấn chỉnh, xuất toán. 

Theo đó, đến năm 2020, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt trên 90%; trong đó, một số địa phương được giao chỉ tiêu đạt gần 100% là: Lào Cai 98,8%, Thái Nguyên và Điện Biên 98,5%, Hà Giang 98,2%, Lai Châu 96,8%, Đà Nẵng 96,5%... Đây là những tỉnh hiện đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ còn thấp hơn 1-3% so với mục tiêu của năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên cho biết, nếu tính cả số công nhân Tập đoàn Samsung đóng trên địa bàn thì tỷ lệ tham gia BHYT của người dân Thái Nguyên đã đạt 97% (hơn 1.170.000 thẻ). Năm 2016, chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao cho Thái Nguyên là 97,5%. Do đó, từ giờ đến cuối năm, các ngành, các cấp của Thái Nguyên cũng phải “gắng” đạt được 0,5% còn lại, hướng tới đến năm 2020 đạt tỷ lệ 98,5% người dân tham gia BHYT.

“Tuy rằng, đích đến chỉ còn 1,5% nữa thôi nhưng đây là nhóm người dân khó “lay chuyển” nhất từ trước đến nay. Hiện còn khoảng 60.000-70.000 người dân tham gia theo hộ gia đình và hơn 10.000 học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Các đối tượng này chỉ có mức sống trung bình, do đó họ chưa coi trọng việc tham gia BHYT” – ông Thành phân tích.

Thái Nguyên cũng là 1 trong hơn 20 tỉnh đã hỗ trợ thêm cho người cận nghèo 30% mệnh giá thẻ BHYT để phát miễn phí thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này (nhà nước hỗ trợ 70%). Theo ông Thành, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tăng cường các biện pháp truyền thông, vận động để người dân thấy được lợi ích của BHYT, đồng thời hỗ trợ nhóm đối tượng hộ gia đình và học sinh, sinh viên để họ tham gia BHYT.

Tăng hỗ trợ người dân

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo (từ 70% lên 90-100%), hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình (từ 30% lên 50%), học sinh, sinh viên (từ 50% lên 70%) và nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình theo nguyên tắc giảm dần (hiện nay hỗ trợ 30-50% từ người thứ 2 trở đi).

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian tới, viện phí sẽ điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường. Hiện việc điều chỉnh viện phí mới áp dụng cho đối tượng tham gia BHYT. Nhưng thời gian tới sẽ nghiên cứu để áp dụng cho tất cả các đối tượng, kể cả người chưa có thẻ. Với mức viện phí sẽ tăng khoảng 50-70% so với đầu năm 2016, nếu bị ốm đau mà không có thẻ BHYT thì người dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn.

Sau 3 tháng điều chỉnh giá viện phí (từ 1.3), ông Sơn cho biết, qua kiểm tra, nhiều bệnh viện đã có các đổi mới tích cực, kể cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn thái độ ứng xử cho xứng với “đồng tiền bát gạo”. Theo ông Sơn, việc điều chỉnh viện phí giúp bệnh viện có nguồn lực tài chính tốt hơn để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn. Cho dù tiền đồng chi trả có tăng nhưng quan trọng hơn, viện phí tính đủ sẽ giúp người dân giảm được tiền túi, không phải mua thêm vật tư khi khám chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định: “Tôi từng đi đến các bệnh viện và nhận thấy người bệnh khám BHYT vẫn còn phải chờ đợi lâu hơn người khám dịch vụ. Do đó, cần phải thuyết phục người dân tham gia BHYT bằng thực tế, giúp dân thấy được lợi ích của BHYT”.

Ông Lê Văn Phúc – Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT nhận định, việc một số tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp là do chưa huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Hiện còn 10 tỉnh chưa hỗ trợ người cận nghèo, 12 tỉnh mới hỗ trợ 10-20% trong số 30% mệnh giá thẻ BHYT mà người cận nghèo cần đóng. Ngoài ra hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ hộ nông – lâm – ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh- sinh viên… Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, BHXH của các doanh nghiệp còn khá phổ biến. “Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa đảm bảo sự công bằng giữa khám BHYT và khám dịch vụ khiến một số người dân chưa mặn mà với thẻ BHYT” – ông Phúc cho biết.