Theo bà Nguyễn Thị Cát (67 tuổi, ngụ huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), cách đây hơn 45 năm, trong lúc từ trong nhà ra quét sân, bà bị đạn bắn xuyên qua vùng ngực trái, gục ngay tại chỗ.
Gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng bác sĩ (BS) lúc đó cho về vì chẩn đoán đã tử vong. Trên đường về, bà bỗng bật thở lại. Gia đình thấy vậy liền đưa bà quay lại bệnh viện để hồi sức. Tại bệnh viện, các BS chỉ hồi sức, may vết thương rồi cho về. Sau đó, bà Cát thường bị đau, tức ngực.
Các BS Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK TP Cần Thơ đang phẫu thuật lấy đầu đạn nằm trong người bệnh nhân Cát trên 45 năm.
Đến nhiều bệnh viện, nhưng sau khi khám các BS đều cho biết, viên đạn nằm sâu bên trong nên không thể lấy ra được. Cách đây gần 10 năm, khi BS chụp hình, không thấy viên đạn ở ngực trái của bà Cát. Về nhà, bà hay bị đau vùng bụng, hố chậu. Cách đây mấy ngày bà bị đau dữ dội vùng hố chậu phải nên người nhà đưa đến Bệnh viện ĐK TP Cần Thơ cấp cứu.
BS La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết: “Qua siêu âm, chẩn đoán bà Cát bị nhiễm trùng có ổ áp xe ở bụng. Kết quả X-quang, chụp CT- scan bụng bằng máy CT 160 lát cắt cho hình ảnh 3D thấy có đầu đạn nằm ở vùng hố chậu trái.
Bệnh nhân được chỉ định nội soi ổ bụng đề lấy đầu đạn. Trong quá trình nội soi, mặc dù biết đầu đạn ở vị trí đó, nhưng việc xác định chính xác phải nhờ đến máy định vị C-arm để xác định chính xác vị trí.
Các BS phải mở bụng một đường nhỏ, hút ra 300ml mủ đục, lấy ra đầu đạn bị rỉ sét kích thước 1x4 cm, nằm ở hố chậu trái sát với bó mạch chậu. Việc lấy đầu đạn ra rất khó khăn, vì sát các bó mạch máu rất nguy hiểm. Nếu không lấy ra kịp thời có nguy cơ đầu đạn đâm xuyên thủng bó mạch chậu ngoài, nguy cơ tử vong rất cao”.