Câu chuyện về những đôi vợ chồng đẻ vượt mức từ trước đến nay ở vùng cao quả không hiếm, thậm chí ở Hà Giang từng có một cặp vợ chồng sinh những 16 đứa con. Nhưng chuyện ông Ve lấy những 2 vợ, đẻ tận 21 đứa con thì quả là chuyện hiếm ở Việt Nam. Vậy lí do vì đâu?
Bị chê vì không đẻ được con trai...
Theo ông Ve, ông và người vợ Hoàng Thị Dí (SN 1966, vợ cả) cũng yêu nhau như bao thanh niên khác trong làng. Vợ ông hồi đó chỉ sống cách nhà vài con dao quăng (khoảng 10km) đường là tới. Hồi đó Dí mê tiếng khèn thắm thiết của Ve lắm, mới có vài tháng, cô gái đã chịu về sống với Ve dưới chân thung lũng Tả Bốc.
Bà Hoàng Thị Dí (SN1966, vợ cả Ve).
Năm 1984, đám cưới của Ve được tổ chức rình rang với người vợ đầu tiên. Nhưng có điều số trời không cho Ve có được con trai để nối dõi tông đường. Chuyện là 4 đứa con đầu lòng vợ Ve sinh ra những năm ấy tất cả đều là gái, điều đó khiến Ve bị người đời xì xầm và mỉa mai.
“Những lần sang nhà hàng xóm chơi, hoặc đi nhà anh em uống rượu. Họ lại mỉa mai rằng tôi kém cỏi không thể đẻ nổi con trai. Người ta bảo, trong số mấy anh em trong nhà, tôi là đứa kém nhất. Mỗi lần như thế tôi ức lắm”, Ve kể.
Theo Ve, có lần đi uống rượu ở bản bên, vì không chịu nổi sự chê bai của người làng cho rằng ông không đẻ được con trai nên hai bên đã xảy ra xô xát. Hôm đó, Ve cầm trai rượu đập vào đầu đối phương khiến người kia bị thương nặng, về sau ông phải mang rượu và mang gà lên xin lỗi nạn nhân.
Dân ở Tả Bốc khẳng định, đối với đồng bào người Mông nơi này, người đàn ông không đẻ được con trai là một nỗi nhục. Khi chết đi sẽ không có người giúp gối đầu cho vào quan tài.
Dĩ nhiên, nếu chẳng có người nào mách, chắc chắn Ve không tính chuyện lấy vợ hai. Ngay cả Ve cũng khẳng định, sau những lần bị mỉa mai, người làng lại mách ông lấy thêm vợ để sinh...quý tử.
...nên bất chấp lấy vợ hai
Ông Ve và người vợ thứ 2.
Bà Hoàng Thị Dí ngồi kể chuyện cuộc đời mình như những nốt nhạc trầm buồn. Bà bảo, cuộc sống bà như bây giờ âu cũng đã được số phận an bài nên mới phải khổ sở vì cái nghèo cứ bủa vây như thế.
Dí vẫn nhớ những năm tháng chồng bà tính tình hậm hực vì người đời rỉ tai là phải lấy kỳ được vợ hai. Thời điểm đó bà cũng đã ra sức can ngăn để chuyện không thành sự thật nhưng bất lực.
“Lúc đó ông ấy hay nổi cáu với tôi. Nhất là những lần đi nhậu nhẹt về, ông hay mắng nhiếc tôi dù không có bất kỳ lí do nào. Có hôm ông ấy nói: "Mày phải đẻ con trai cho tao mới được”. Nghe vậy, tôi đã phần nào hiểu được tâm sự của ông”, Dí kể.
Ngày Ve quyết định khăn gói ra đi tìm người đàn bà khác, bà Dí khóc cạn nước mắt. Nhưng dù sao nghĩ cũng là người chồng bao năm “đầu ấp, má kề”, nên Dí vẫn chịu đựng lo toan công việc gia đình để Ve được...tìm vợ.
Dí kể, chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, Ve đã tìm được người đàn bà trẻ khác đưa về nhà. Người con gái ấy là Hoàng Thị Dợ, kém Ve hẳn một con giáp, nghe đâu trong làng Dợ cũng là cô gái nết na xinh đẹp, vì kén chọn nên mới chưa chồng.
Theo bà Dí, để cưới được vợ hai cho Ve, bà phải tự mình mang sính lễ lên thôn Lũng Phìn hỏi vợ cho chồng. Ban đầu đến đó, bà cũng đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình ông Thào Văn Cơ (bố Dợ). Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, họ cũng đồng ý cho đặt lễ vật. Với người vợ hai này, gia đình nhà bà phải mất một con lợn chừng 80kg, với một số tiền là 3 triệu đồng làm lễ.
Câu chuyện về sau trở nên bi hài, khi bà Dí quyết định cùng chồng đi bệnh viện đặt vòng tránh thụ thai lần nữa. Nào ngờ về sau vòng bị tuột ra ngoài, bà Dí lại bất ngờ đẻ được cậu con trai kháu khỉnh. Rồi cứ thế, đứa này nối đứa kia, tất cả bà Dí đẻ 11 đứa.
Còn với bà vợ hai Thào Thị Dợ thì ngay đứa con đầu lòng bà đã đẻ con trai. Ngặt nỗi trong số 7 đứa con lần lượt mà Dợ đẻ ra đều là quý tử cả, trong khi đó Dợ lại ước vọng có thêm một đứa gái để khi chúng lớn mới có người quét nhà.
Ngoài lí do như thế, ông Ve còn tâm sự: “Bà Dợ bảo, bà phải đẻ bằng được con gái thì mới bằng được bà cả. Vì bà cả đẻ được cả trai cả gái mà, nhưng đẻ xong một cô con gái rồi bà ấy có uống thuốc tranh thai, nhưng chắc tôi khỏe quá nên bà ấy lại có tiếp cô con gái nữa”. Nói xong Ve cười vẻ thích thú.
----------------------------------------------
Ở một gia đình có đến hơn 20 thành viên cùng chung sống, việc phân công công việc sao cho hợp lí là một bài toán không đơn giản đối với người chủ nhà như Ve. Cuộc sống sinh hoạt của họ hằng ngày như thế nào? Mời độc giả đón đọc Kỳ 3: Chuyện “ông vua đẻ”: Khi “bố già” ra lệnh