Dân Việt

"Lốc" đa cấp lan tới buôn làng

Duy Hậu 01/07/2016 20:08 GMT+7
Chỉ sau vài tháng, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 868 chi nhánh Đăk Lăk đã “dụ” hàng ngàn người góp vốn với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Hầu hết những người bị “dụ” là đồng bào DTTS có cuộc sống khó khăn.

Hiện rất nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng, đứng trước nguy cơ mất nhà cửa, đất đai...

Tiền mất, tật mang

Đã quá trưa, bà H’Cơi Knul (buôn Tơng Ju, xã Ea Kao) vẫn bổ củi trước sân. Chồng mất, con cái ra ở riêng, bà H’Cơi (73 tuổi) sống đơn độc trong căn nhà nhỏ. Phải vất vả lắm, bà mới dành dụm được hơn chục triệu đồng để phòng thân. Một hôm, Y Lép, người cùng buôn đến nhỏ to, kêu bà góp vốn với công ty để được nhận thật nhiều tiền mỗi tháng. Tin xóm giềng lại thấy được lợi, bà H’Cơi dốc cạn túi rồi bảo con gái bán cả con bò giống để đóng cho Y Lép hơn 36 triệu đồng. Nhưng rồi lãi đâu chẳng thấy, trong khi bà H’Cơi bệnh tật, không biết lấy tiền đâu mua thuốc.

img

Già yếu và nghèo khó nhưng bà H’Cơi vẫn được mời “góp vốn” với Phúc Gia Bảo. Ảnh: D.H

Những người đã đóng tiền cho Phúc Gia Bảo sẽ rất khó lấy lại vốn, tuy nhiên nếu công ty này và các chi nhánh đều bị khởi tố hình sự, đồng thời cơ quan điều tra làm rõ được số tiền dân đã đóng góp đi về đâu thì người dân vẫn có thể lấy lại tiền. 

Luật sư  Tạ Quang Tòng -
Phó Trưởng đoàn Luật sư
tỉnh Đăk Lăk

Tương tự, bà H’Ren Bkrông chẳng chút nghi ngờ khi Y Lép đến mời góp vốn. Bà vay nóng hơn 30 triệu đồng rồi vét hết tiền trong nhà đưa đủ cho Y Lép 36,6 triệu đồng. “Một tháng sau, theo lời Y Lép tôi đến công ty nhận tiền nhưng chờ mãi chẳng thấy nó trả. Giờ chủ nợ thúc quá, chắc phải bán cái nhà này mà trả thôi”- bà H’Ren nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), xã Cư Bao (TX.Buôn Hồ)... cũng có nhiều hộ DTTS đang lâm vào cảnh khốn đốn vì đã trót góp vốn với Công ty CP Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 868 chi nhánh Đăk Lăk (Phúc Gia Bảo Đăk Lăk). Những người này đều ít hiểu biết, đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ đây chính là điểm yếu mà Phúc Gia Bảo Đăk Lăk đã lợi dụng để đưa người dân vào bẫy.

Tiền đi về đâu?

Theo tìm hiểu, Phúc Gia Bảo được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Đăk Lăk từ tháng 10.2015, do bà H’Xuân M Lô (trú tổ 6, phường Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột) làm Giám đốc chi nhánh, nơi giao dịch là Câu lạc bộ cà phê nấm Linh chi đỏ, số 02 Mai Xuân Thưởng, TP.Buôn Ma Thuột, cũng là chi nhánh 3 tỉnh Tây Nguyên của Phúc Gia Bảo. Chỉ sau vài tháng có mặt, Phúc Gia Bảo Tây Nguyên đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng với trên 3.000 người “góp vốn”. Riêng tại Đăk Lăk, trong số khoảng 1.000 người “góp vốn” có 1/3 là đồng bào DTTS.

Để huy động vốn, Phúc Gia Bảo đã “nhử” bằng cách sau khi đóng tiền (gồm các gói 12,6 triệu, 36,6 triệu, 72,2 triệu), một số hộ được nhận lại 9 triệu đồng ngay tháng đầu tiên. Phúc Gia Bảo cũng cam kết sẽ trả các tháng tiếp theo lần lượt là 12 triệu, 24 triệu, 27 triệu, 60 triệu... Đặc biệt, người góp gói 72,2 triệu, sau 10 tháng được nhận hoa hồng tới 2 tỷ đồng. Ngoài việc đóng tiền rồi đến câu lạc bộ... uống cà phê, người góp vốn không phải làm bất cứ việc gì. Vì vậy, nhiều người đã mất cảnh giác, sẵn sàng vay tiền để đóng ở mức cao nhất.

Đáng chú ý là tháng 4.2016, ông Nguyễn Thế Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (trụ sở Hà Nội) đã bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo. Tiếp đó, Giám đốc chi nhánh Phúc Gia Bảo Đăk Lăk, bà H’Xuân M Lô cũng biệt tăm. Hiện cơ quan Công an tỉnh Đăk Lăk đã vào cuộc điều tra vụ việc này.