Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCHT.Ư Hội Nông dân VN Lại Xuân Môn.
Thưa ông, chất lượng của nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp hiện nay chưa được đảm bảo ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân. Ông đánh giá sao về thực trạng này?
- Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam có bước đột phá rất quan trọng, sản xuất nông nghiệp hiện nay phát triển với tốc độ cao, đa dạng về chủng loại, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp của nước ta đã có mặt ở hơn 180 nước trên thế giới. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nông nghiệp vẫn luôn là bệ đỡ, góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả của sản xuất nông nghiệp có nhiều yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra số lượng phân bón trong kho của Thuận Phong. Ảnh: T.L
Việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của nông dân, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ đó cũng gây ảnh hưởng tới cạnh tranh khi Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng”. Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH |
Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan như hiện nay gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất của nông dân. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang rất nhiều trường hợp sản xuất kinh doanh, phân bón giả. Ngay cả một số trung tâm cấp phép cũng được Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện cấp sai quy định hàng trăm loại chứng nhận phân bón.
Vậy đâu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng đó, thưa ông?
- Theo tôi, thị trường phân bón ở Việt Nam hiện nay chưa minh bạch, chưa công khai. Hiện cả nước vẫn tồn tại quá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón với khoảng 7.000 sản phẩm được phép sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh phân bón được đánh giá là lĩnh vực có lợi nhuận rất cao và hấp dẫn. Lợi nhuận cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có nguy cơ xảy ra lợi ích nhóm.
Mặt khác, việc quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân để xảy ra tình trạng hoành hành của phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay. Vừa qua, Bộ NNPTNT còn phát hiện 11 đơn vị cấp phép cho sản xuất phân bón không đảm bảo chặt chẽ. Đó cũng là những “kẽ hở” dẫn tới tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành.
Vừa qua, Công ty Thuận Phong ở Đồng Nai bị các cơ quan chức năng phát hiện có nhiều sai phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón. Từ vụ việc này, ông thấy lộ rõ những vấn đề gì?
Sản phẩm phân bón đóng chai của Công ty Thuận Phong được cơ quan chức năng
xác định là “giả”. Ảnh: T.L
- Câu chuyện ở Công ty Thuận Phong chúng tôi cũng được nghe nhiều, nhưng đến này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành. Phía Công an tỉnh Đồng Nai kiến nghị không khởi tố hình sự, chỉ đề nghị xử lý hành chính.
Tuy nhiên, nhiều bộ ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ KHCN, Bộ Tư pháp, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng có đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, kinh doanh phân bón giả để khởi tố hình sự. Theo tôi, vụ việc này cần được xem xét lại một cách đầy đủ và toàn diện để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Sản xuất phân bón giả sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho nông dân và cho sản xuất nông nghiệp.
Theo ông, thời gian tới, cần có giải pháp như thế nào để làm cho thị trường phân bón minh bạch hơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nông dân. Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để bảo vệ nông dân trước vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng?
- Theo tôi, các cơ quan có liên quan cần cơ cấu lại các doanh nghiệp, tính toán được sản lượng phân bón hàng năm sản xuất ra, nhu cầu tiêu dùng của bà con nông dân là bao nhiêu để phục vụ cho sản xuất tốt nhất.
Ngoài ra, đã cơ cấu rồi thì phải chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát nếu phát hiện các đơn vị không đảm bảo điều kiện về năng lực, cơ sở vật chất, nguồn lực cho sản xuất phân bón thì phải cho giải thể. Từ đó mới làm cho thị trường phân bón minh bạch, công khai, giá cả được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, theo tôi, phải xử lý nghiêm minh các nơi sản xuất không đảm bảo, không đủ điều kiện và phải xử lý cả những cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, không đủ thủ tục, tiêu chí…
Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích cho các hội viên, về phần mình, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang thực hiện Quyết định 217 năm 2013 của Bộ Chính trị, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương ký kết chương trình giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát và tuyên truyền nông dân tố giác nơi sản xuất, buôn bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam sẽ vận động nông dân tẩy chay ngay các sản phẩm vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng làm cho những đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng không còn “đất sống”. Từ đó giúp cho bà con nông dân ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh đáp ứng với các thay đổi khi tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Xử lý nghiêm để “cứu” nông dân
Liên quan tới vụ việc Công ty Thuận Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (ảnh - Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận) nói với NTNN: Hậu quả của phân bón giả để lại rất nặng nề, người nông dân một nắng hai sương đã quá khổ rồi lại phải dùng phân bón giả sẽ thiệt hại đến mùa màng, thiệt hại đến kinh tế rất lớn. Phi Long |