Chính vì thế, tại cuộc họp sơ kết về xây dựng NTM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM đã yêu cầu, trong giai đoạn tới phải đặc biệt quan tâm đến các xã này.
Giảm còn 250 xã đạt dưới 5 tiêu chí
Theo thống kê, ngoài 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí, hơn 400 xã vùng biên giới, bãi ngang hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xây dựng NTM. Vì thế, ông Lê Huy Ngọ - cố vấn Ban chỉ đạo T.Ư cho rằng: “Trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta cần quan tâm sâu sắc đến những địa phương khó khăn, cần hỗ trợ thế nào để các địa phương đó có động lực để đẩy mạnh xây dựng NTM, các vùng khó khăn không cần làm ngay từ xã, có thể làm từ bản, thôn, xóm sau đó mở rộng lên xã”.
Xây dựng đường giao thông tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Ảnh: Minh Huệ
Nông thôn mới giúp ổn định Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thành tựu quan trọng nhất của Chương trình xây dựng NTM là góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân, giúp cộng đồng chủ động tích cực, biến thành phong trào quần chúng rất sôi nổi. ”Trong 5 năm qua, bộ mặt nông thôn thay đổi nhiều, tôi đã đến thăm một số xã đạt chuẩn NTM, nhiều xã bây giờ rất đẹp, đẹp như tranh vẽ. Phải thừa nhận rằng bộ mặt các xã NTM thay đổi nhanh chóng, đời sống của người dân nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Vai trò chính quyền đoàn thể được nâng lên, tình hình an ninh trật tự nông thôn đảm bảo. Phong trào xây dựng NTM đã góp phần giúp ổn định chính trị xã hội đất nước” - Phó Thủ tướng nhận xét. |
Ngoài ra, theo ông Ngọ, các địa phương đã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 5 năm đầu tiên thì đến giai đoạn này cần tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ để tạo ra công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân. Cần nhanh chóng chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, đem lại nhiều lợi ích bền vững cho người dân. NTM phải làm từ đồng vào làng, làm từ những cái dân cần nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối NTM T.Ư, với các kết quả thực tế, phấn đấu đến hết năm 2016 cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM; có 30-35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015. Đặc biệt, tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã.
Xây dựng mô hình “xã NTM kiểu mẫu”
Nhận xét về công tác xây dựng NTM thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành đưa nội dung thực hiện NTM vào chương trình công tác cho 5 năm tới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi bộ, ngành để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình; tập trung rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia NTM cho cả cấp huyện và xã.
Đồng thời, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương có biện pháp củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành NTM kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện. Ngoài ra cần rà soát, hướng dẫn bổ sung lại các quy hoạch về sản xuất, dân cư, hạ tầng… phù hợp với quy hoạch của mỗi tỉnh, vùng để NTM không phải là phép cộng cơ học của các tiêu chí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung vào những vùng khó khăn như hơn 300 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và hơn 400 xã biên giới, bãi ngang; tiếp tục nâng bình quân số tiêu chí NTM của các xã trên cả nước.
Về chỉ đạo của Phó Thủ tướng xây dựng “xã NTM kiểu mẫu”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, sắp tới Văn phòng điều phối sẽ xây dựng dự thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành. “Thực tế xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu là một hướng đi rất tốt và thiết thực. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất ban hành được tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu” - ông Tiến nói.
Đối với việc đầu tư cho các xã khó khăn, ông Tiến cho biết: “Ban chỉ đạo cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, được vận dụng linh hoạt hơn nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư hàng năm cho các xã để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Cụ thể: Ưu tiên nguồn lực bố trí theo từng nhóm xã để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của chương trình, nhất là đối với các địa phương còn khó khăn, không tự cân đối được vốn”.