Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, PV NTNN đã phỏng vấn TS Lê Văn Bảnh (ảnh) - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT).
Ông Bảnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước; cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung; thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản sụt giảm… đã tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của ngành.
Sản xuất trồng trọt bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dẫn đến tăng trưởng giảm. Vụ lúa đông xuân, cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (-6,4%) so với vụ đông xuân năm 2015; riêng đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,14 triệu tấn so với cùng kỳ (-10,2%).
Sản xuất nông nghiệp tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Văn Sáng
Theo ông việc giảm giá trị này có hoàn toàn do vấn đề khách quan là thiên tai như trên mang lại hay có cả vấn đề do chính quan điểm đầu tư vào nông nghiệp của Nhà nước?
- Đây đúng là vấn đề, chúng ta cần suy nghĩ, bởi trong những năm qua, nông nghiệp luôn đóng góp 19-20% vào GDP kinh tế của đất nước, nhưng tỉ lệ đầu tư cho nông nghiệp lại chỉ đạt 5-6%, đúng là vấn đề bất cập. Tôi biết, Nhà nước cũng nhận ra vấn đề này, song do tình hình tài chính của chúng ta có hạn, dẫn tới việc đầu tư còn thấp, đặc biệt rất nhiều địa phương khó khăn không có nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
Trên thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Song có vẻ như những chính sách này còn thiếu tính thực tế, dẫn tới hiệu quả chưa cao, thậm chí có nhiều chính sách thất bại. Ông nhận xét thế nào về việc này?
- Chính sách cho nông nghiệp ở nước ta hiện nay đúng là có rất nhiều vấn đề. Vừa qua tôi làm việc với Bộ Công Thương về Nghị định 109 quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thấy các anh kêu quá. Lý do, theo tôi được biết là hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Sở dĩ như vậy các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp hiện rất khó vay vốn của ngân hàng do ngân hàng lo ngại sẽ bị nợ xấu.
Qua theo dõi cho thấy, chính sách cho nông nghiệp của chúng ta rất đầy đủ, nhưng để tiếp cận được lại rất khó, đơn cử như doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất lớn thì phải có đất đai, nhưng đất đai lại do các hộ quản lý, sử dụng, nên họ không thể có diện tích đủ lớn để sản xuất.
Trong chỉ đạo điều hành phải luôn sâu sát, quyết liệt, đặc biệt lưu ý luôn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước; trong đó chú trọng xây dựng, triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách có tính chất động lực. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tình thế nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề dài hạn, phương châm là suy nghĩ chiến lược, hành động cụ thể. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát |
Theo ông, việc nông nghiệp bị tăng trưởng âm có đáng lo ngại và báo động, bởi trong thời gian qua, chính nông nghiệp đã giúp ổn định nền tảng xã hội nước ta?
- Như tôi đã nói, nông nghiệp tăng trưởng âm một phần do từ đầu năm đến nay, chúng ta gặp quá nhiều bất lợi do thiên tai, thời tiết. Do đó, vấn đề là cần phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới. Cái đáng lo nhất hiện nay là khi hội nhập, trong sản xuất ngoài sản lượng lớn, chúng ta cần xây dựng được thương hiệu hàng hóa. Muốn làm được điều này, cần có sự liên kết trong chuỗi sản xuất, bởi khi hội nhập mà không có sự liên kết sẽ dẫn đến khó khăn trong sản xuất của cả người dân và doanh nghiệp, từ đó dẫn tới hệ quả là chúng ta thua ngay trên sân nhà. Đây chính là điều đáng lo ngại nhất.
Vậy theo ông, để phục hồi lại tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, cũng như ổn định sản xuất, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp gì?
- Tôi cho rằng, điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là tích cực chú trọng để việc gia tăng giá trị sản xuất, thay vì chỉ chạy theo sản lượng. Chẳng hạn như 6 tháng đầu năm nay, dù sản lượng một số ngành giảm, nhưng chất lượng, giá trị vẫn tăng như ngành rau quả xuất khẩu đã tăng tới 47% đạt giá trị hơn 1 tỷ USD hay bây giờ quy ra giá trị có thể thấy 1kg tôm bằng tới 20kg lúa, thì chúng ta có nhất thiết cứ phải làm lúa không? Do đó, theo tôi điều quan trọng là phải tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng, có thể giảm cây/con nọ, tăng cây/con kia nhưng vẫn đạt yêu cầu, thậm chí vượt về giá trị, tăng trưởng là được.
Xin cảm ơn ông!