Dân Việt

Bản quyền sách điện tử: Còn nhiều lúng túng

Vân Khánh 01/07/2016 10:25 GMT+7
Đã có không ít hội thảo bàn về quản lý sách xuất bản điện tử. Ở đó, một nhận định chung đã được phân tích: thị trường thương mại sách điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại đang lúng túng trong quản lý lĩnh vực này.

Không phải cho đến khi có nhà văn “giật mình” phát hiện tác phẩm của họ được khai thác trên các trang mạng…miễn phí, thì vấn đề tác quyền và quản lý xuất bản điện tử mới được rung chuông cảnh báo.

Bản quyền quá rẻ

Theo ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ TT&TT), Luật Xuất bản năm 2012 đã dành riêng một chương cùng 8 điều khoản qui định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm năng, qua quá trình phát triển thị trường sách điện tử trong vòng 10 năm qua ở Việt Nam thì hiện nay qui mô, trình độ của xuất bản điện tử còn khá nhỏ bé; vai trò của các nhà xuất bản chưa rõ; thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng Internet hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông. 

img

Xu hướng đọc sách điện tử đang ngày một phổ biến hơn. (Ảnh: TL).

Phân tích của các chuyên gia, dù doanh thu sách điện tử trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ (ở Mỹ tăng từ 64 triệu USD năm 2008 lên tới 3 tỉ USD năm 2014), nhưng theo những nhà làm sách điện tử ở Việt Nam, họ vẫn phải bù lỗ. Lâu nay người Việt vẫn duy trì thói quen “đọc miễn phí” trên mạng cùng hệ thống luật còn lỏng lẻo, khó chế tài sách điện tử không bản quyền.

Trên thực tế, sách xuất bản điện tử có giá rất rẻ, thậm chí là miễn phí. Ngay cả sách có bản quyền cũng chỉ mất 365.000 đồng/năm (tức 1.000 đồng/ngày), người đọc có thể đọc thoải mái 10.000 đầu sách trên trang Alezaa.com, thực sự khó tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì vậy, các dịch vụ đọc sách điện tử có bản quyền của các doanh nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay: Ybook (NXB Trẻ), Sachweb (NXB Tổng hợp TP HCM), Komo (Phương Nam), Alezza (Vinapo), Sachbaovn (Tin học Lạc Việt), Tiki, Vinabook…

Ông Nguyễn Minh Nhựt- Giám đốc NXB Trẻ từng chia sẻ rằng, mặc dù doanh thu Công ty sách điện tử Ybook của NXB Trẻ đạt 3 tỉ đồng/năm nhưng thực tế vẫn thua lỗ, bởi chi phí quá lớn cho khâu vận hành trang thiết bị, trụ sở và nuôi hơn 20 nhân viên… Ngoài ra, ông Nhựt cho rằng, sách điện tử tại Việt Nam đang ở thời kỳ hỗn mang, tự phát. Trước đó, NXB Trẻ từng phải đau đầu tìm cách giữ lại bản quyền sách điện tử của một nhà văn ăn khách nhất mà lâu nay NXB vẫn xuất bản sách giấy.

Có lẽ vì xuất bản điện tử bản quyền giá rẻ nên cũng có không ít tác giả không muốn xuất bản sách điện tử. Ông Đồng Phước Vinh - Giám đốc Ybook cũng từng chia sẻ rằng: đơn vị vẫn nhận dịch vụ cấp phép riêng cho sách điện tử và người được cấp phép sẽ được nhận file sách điện tử chưa mã hóa để tự mang đi kinh doanh. Mức quản lý phí cho loại hình này rất mềm, chủ yếu hỗ trợ các tác giả yêu thích sáng tác văn thơ nhưng không có điều kiện xuất bản sách giấy. Tuy nhiên, việc chỉ xuất bản sách điện tử, không xuất bản sách giấy không phải tác giả nào cũng chấp thuận. Không ít tác giả trẻ đã từ chối cộng tác với đơn vị này. 

Đơn cử những ví dụ nói trên để thấy sự lúng túng trong lĩnh vực bản quyền sách điện tử của các đơn vị xuất bản Việt. Trong khi theo thông lệ quốc tế, các đơn vị xuất bản sau khi đã bán bản quyền sách giấy cho đối tác nào thì bản quyền sách điện tử cũng sẽ được bán cho đối tác đó. Nếu đối tác này không mua thì không loại trừ trường hợp NXB sẽ bán bản quyền sách điện tử của cuốn sách này cho người khác.

Không để thị trường tự phát

Hiện trên thị trường mạng tại Việt Nam, có không ít NXB ảo đã được thành lập trái phép, hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử tiếng Việt. Bên cạnh đó, cho dù Luật Xuất bản năm 2012 đã dành cả chương V để qui định về Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhưng Luật cũng vẫn chưa đưa ra các biện pháp chế tài đối với sách điện tử lậu, nên người đọc và người làm sách vẫn phải bơi trong biển sách lậu trôi nổi trên mạng internet. Theo thống kê, trong năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ngăn chặn, xử lý hơn 10  trang web có hoạt động đăng tải, phát tán bất hợp pháp các ấn phẩm vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản chính thống cho biết họ rất ngán ngẩm  khi các tác phẩm sách giấy vừa xuất bản đã bị xào trắng trợn bằng cách sao chép, đánh máy phát hành rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn.

Để tiến tới quản lý tốt hơn xuất bản điện tử và xử lý những vấn đề liên quan, người đứng đầu Cục Xuất bản, In và phát hành cho hay, với chương V luật Xuất bản 2012 đặt vấn đề về sách điện tử đã tạo nên một cuộc cách mạng, đặt ra một khung pháp lý cho sách điện tử. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện Luật cho phù hợp với tình hình ở Việt Nam.