Dân Việt

Những cây cầu mơ ước của người dân vùng khó

Nguyễn Thắng 02/07/2016 06:30 GMT+7
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2 (2014-2020) đang chuẩn bị khởi động, với gần 4.000 cây cầu sẽ được xây dựng.

Tận dụng mọi nguồn vốn

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cuối tháng 12.2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 – 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ xây 3.959 cây cầu, trong đó có 3.664 cây cầu cứng và 295 cầu treo dân sinh, thực hiện tại 5.237 xã thuộc 450 huyện của 50 tỉnh, thành phố có vùng dân tộc miền núi, trong đó ưu tiên 63 huyện nghèo.

img

Cầu Nam Công (Hà Nam) – cây cầu đầu tiên được tài trợ toàn bộ bởi Ngân hàng BIDV. Ảnh: I.T

Trước đó, ở giai đoạn 1 (2014 - 2015), dự án đã đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; hoàn thành 1 cầu (cầu Nam Đông ở Hà Nam) do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đầu tư toàn bộ theo Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động (tháng 4.2014). Đến nay, những cây cầu này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn, thuận tiện cho người dân.

Giai đoạn 2 (2015 - 2020) sẽ được phân kỳ để thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Về nguồn vốn cho giai đoạn này, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sẽ xây dựng cầu treo bằng nguồn vốn kêu gọi từ Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, số còn lại sẽ vay Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện WB đã thẩm định dự án và dự kiến sẽ hỗ trợ cho vay 385 triệu USD. “Sau tháng 7.2016, Tổng cục sẽ triển khai đề án với các nguồn vốn trên” – ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Giảm chi phí để xây thêm cầu

Ngay khi thực hiện xong giai đoạn 1 của đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả xây dựng, kết cấu cầu treo dân sinh. Từ đó, sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa hình, khí hậu từng địa phương nhằm tiết giảm tối đa chi phí. Tổng cục đã kiến nghị với Bộ GTVT điều chỉnh, sửa đổi hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh, trong đó đề nghị sửa đổi điều chỉnh khả năng vượt tải so với tải trọng tối đa được phép đi trên cầu đối với các vùng sâu, vùng xa nơi có ít người lưu thông như xem xét giảm tiêu chuẩn tải trọng từ 9 người/m2 xuống 7 người/m2. Khi giảm tải, các yếu tố khác như kích thước trụ tháp, kích thước mố trụ và cáp sàn giảm theo sẽ giúp tiết giảm chi phí xây dựng. Theo tính toán, nếu  điều chỉnh như trên sẽ tiết kiệm khoảng 20% chi phí so với dự toán. Nghĩa là, thực hiện xây dựng 4 cầu sẽ tiết giảm được chi phí để xây thêm 1 cầu nữa.

Đánh giá về đề án này, ông Nguyễn Đình Đại – Phó Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn chia sẻ: “Lạng Sơn hiện có 9 cầu treo nhưng phần lớn đã xuống cấp, mất ATGT. Vì vậy việc triển khai đề án xây dựng cầu treo dân sinh thực sự sẽ đem lại niềm vui lớn cho người dân các vùng khó khăn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bà con”.