Tham quan “làng rắn”
Trại rắn Đồng Tâm nằm trên địa bàn ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 9km về hướng tây với tổng diện tích rộng 12ha.
Trại rắn được thành lập ngày 27.10.1977, theo sáng kiến của bác sĩ Trần Văn Dược (Tư Dược) - một người có kiến thức về rắn và say mê công việc nguy hiểm này. Mục đích nuôi rắn của ông là để bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài rắn quý hiếm có tên trong Sách Đỏ.
Vương quốc rắn |
Năm 1998, Trại rắn Đồng Tâm được đổi tên thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và Chế biến dược liệu Quân khu 9. Đây là một trong những trại rắn lớn nhất không chỉ ở Việt Nam, mà còn của khu vực Đông Nam Á.
Đến Trung tâm vào những ngày hè, không chỉ có các đoàn khách trong nước mà có rất nhiều đoàn khách là người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau. Thiếu tá Trần Văn Hồng - cán bộ của Trung tâm vừa hướng dẫn cho khách tham quan, vừa cho chúng tôi biết: “Để bảo đảm an toàn cho du khách, chúng tôi xem khâu huấn luyện rắn là một vấn đề sống còn của đơn vị” .
Được biết, để huấn luyện được một con rắn, đòi hỏi người dạy phải có tay nghề cao. Điển hình là ngoài những bài “làm quen với rắn” thì đòi hỏi những nhân viên huấn luyện phải hiểu được tâm lý và tính cách của mỗi loài rắn. Nếu không, mỗi lần chúng... “hờn dỗi” thì chắc chắn có chuyện xảy ra. Vì vậy, những loài rắn hung dữ và nguy hiểm như hổ mang, hổ chúa, mái gầm… nhưng dưới bàn tay của các nhân viên huấn luyện chúng đã trở nên rất… dễ gần.
Làm thuốc cứu người
Cùng với sự ra đời của trại rắn, khoa Cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cũng được thành lập. Thời gian qua, khoa đã không ngừng phát triển về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ và y đức, đáp ứng yêu cầu chữa trị cho nhân dân trong khu vực.
Hàng năm, khoa đã cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho hơn 700 ca từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước… đa số bệnh nhân là những người làm ruộng, làm vườn.
Tính riêng trong năm 2010, khoa đã cấp cứu và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân bị rắn độc cắn, trong đó có nhiều ca rất nặng. Từ tháng 3. 2006 đến nay, các bệnh nhân đến đây điều trị đều được miễn giảm tiền khám bệnh và tiền viện phí.
Cán bộ, nhân viên Trại rắn Đồng Tâm đang lấy nọc rắn (ảnh lớn). Vương quốc rắn (ảnh nhỏ). |
Trong hàng trăm câu chuyện cứu người mà chúng tôi được các y, bác sĩ ở đây kể lại, cảm động nhất là câu chuyện của trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương - Chủ nhiệm khoa Cấp cứu, điều trị rắn độc cắn. Đó là vào một buổi chiều cuối năm 2009, bệnh nhân tên Nguyễn Hữu Tài, 55 tuổi quê ở Bến Tre được chuyển đến trong tình trạng rất nguy kịch do bị rắn cắn trong khi đi chăn bò.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lương kể lại: “Lúc đó khoảng 17 giờ, mọi người trong khoa đã về, chỉ còn lại tôi và một y sĩ, bệnh nhân được chuyển tới trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, da niêm mạc tím tái. Hỏi qua người nhà, kết hợp với kinh nghiệm của mình, tôi chẩn đoán bệnh nhân bị rắn hổ cắn. Ngay lập tức, công tác cấp cứu được tiến hành khẩn trương.
Từ trước đến nay, chúng tôi chưa hề gặp một ca cấp cứu nào bị nặng như ca này. Sau 33 giờ hôn mê phải thở máy, tim bệnh nhân đã có dấu hiệu đập trở lại.
Chúng tôi rất vui khi được nghe câu nói đầu tiên của bệnh nhân sau khi tỉnh lại: “Cảm ơn các bác sĩ trong khoa đã cứu sống tôi, nơi đây đã sinh ra tôi lần thứ hai”.
Niềm hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà của họ cũng chính là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc ở Trại rắn Đồng Tâm.
Quang Đức