Gian nan hành trình chuyển viện
Trưa ngày 2.7 chúng tôi tìm đến đến khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi Trung ương thăm bé Yến Nhi và gặp chị Thanh Tâm sau khi chị tranh thủ có người đến thăm để về đi tắm gội sau bao ngày trực cùng bé ở bệnh viện.
Vừa cho bé ăn sữa chị Tâm vừa cho biết: “Theo kết luận của bác sĩ thì con bị suy dinh dưỡng nặng và bị bại não. Hiện nhịp tim của con vẫn chưa được ổn định. Giờ con có thể ăn được 40-45ml sữa rồi”. Nhìn cách chị chăm em bé thì có lẽ không ai có thể nghĩ rằng đây là một cô gái chỉ mới 25 tuổi, chưa có gia đình.
Bé Yến Nhi sắc mặt đã hồng hào hơn rất nhiều so với những ngày đầu nhập viện. Ảnh: Bảo Yến
Hình ảnh em bé gầy gò chỉ có da bọc xương với đôi mắt sáng to tròn khiến chị đau lòng và thúc giục chị tìm đến nhà bé Yến Nhi. 2 giờ chiều cùng ngày hôm đó, chị đã tức tốc cùng với 2 người bạn đến báo cáo chính quyền xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa xin phép bảo hộ đưa bé đi bệnh viện. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, chị cùng với bạn tìm đến nhà bé ở thôn Cát Cát để đưa bé đến bệnh viện tỉnh Lào Cai.Khi bé thiu thiu ngủ, chị tranh thủ nhờ bạn trông rồi tiếp chuyện với chúng tôi. Nhớ về cơ duyên biết và cứu giúp bé chị Tâm cho biết: Đó là vào ngày 27.6, lúc đó chị đang lướt facebook thì bắt gặp hình ảnh và lời kêu gọi cứu giúp bé từ một người bạn của mình. Hình ảnh đó được đăng lên mạng đã được 2 tháng.
“Lúc mình nhìn thấy con, thì đôi mắt con đã đờ đẫn, người chỉ còn da với xương, con không thể cử động được nữa rồi. Khi bế con, người con cứng đờ, mình cứ sợ con không qua khỏi. Nhìn con lúc đó mà không cẩm nổi nước mắt!” – Chị Tâm không khỏi bồi hồi nhớ lại.
Bé Yến Nhi những ngày đầu nhập viện. Ảnh: FB
“Thấy bảo trước đó con bị đi ngoài liên tục khoảng 2 tuần, con không ăn gì ngoài mấy thìa nước cơm bố chắt được. Gia đình con chẳng có gì ngoài 4 bức tường loang lổ. Mẹ và chị gái của con thì đã đi sang Trung Quốc lâu nay mà đến giờ vẫn bặt vô âm tín. Bố của con là người dân tộc Mông, lại hay uống rượu, không biết chăm sóc nên con phải chịu nhiều thiệt thòi” – Chị Tâm cho biết thêm.
Nhập viện tỉnh được 1 ngày chị nhận được thông tin chẩn đoán từ bác sĩ rằng bé bị suy dinh dưỡng nặng và có nguy cơ bị bại não. Cái tin như sét đánh đối với chị. Thương em bé, chị lại xin chuyển lên bé Bệnh viện Nhi Trung ương để mong có được kết luận chính xác.
Vậy là chiều ngày 29.6, chị lại cùng với anh Thào A Lư – bố bé Nhi và người bạn của mình với sự hộ giám của một y sĩ đã đưa bé xuống Hà Nội.
“Hôm đưa con xuống đây, trời nắng nóng, xe đi xóc lại không có rèm cửa nên ánh nắng cứ thế lọt vào. Ai ai trong xe cũng đều mệt rã rời vì trực với con ở trên viện nhưng con thương quá nên người lấy áo nắng, người lấy áo sơ mi, người lấy tay, thân mình để che cho con khỏi bị nắng. Mình lúc đó chỉ có thể ngồi dưới sàn để giữ cho bánh xe đẩy không bị rung lắc làm ảnh hưởng đến con. Mọi người cứ giữ tư thế che cho con như vậy cho đến lúc tới viện.” - Chị Tâm nhớ lại.
Để bé có thể nằm yên trên đường xuống chị Tâm và những người bạn đã phải dùng cả thân mình để che nắng, giữ xe đẩy để chống xóc. Ảnh: FB
Hạnh phúc khi nghe con khóc
Kể từ khi bé đưa bé vào bệnh viện cho đến nay chị Tâm luôn là người túc trực thường xuyên bên cạnh bé cả ngày lẫn đêm. Giờ đây, tình trạng của bé đang dần ổn định trở lại đó là một niềm vui lớn đối với người mẹ đỡ đầu 25 tuổi.
Liếc nhìn yêu con, chị Tâm kể cho chúng tôi nghe về lần đầu tiên nghe thấy tiếng của bé: “Mình đã hai lần hát ru cho con, ở lần đầu tiên mình hát ru thì cũng là lần đầu tiên mình nghe được âm thanh “ư” theo câu hát của con. Lúc đó trái tim mình như có một cái gì đó bóp thắt, nghẹn lại, cảm giác nó giống như người mẹ vừa đẻ xong nghe thấy tiếng con khóc chào đời vậy, thật sự rất khó diễn tả. Lần thứ 2 là đêm hôm qua (1.7 – Pv) bé đang bú miệng không chúp.... chúp thì mình mở nhạc ru và hát thì bé ngừng việc bú giả kia để lắng nghe. Điều này đã khiến mình thật sự xúc động mà không hát tiếp được”.
Cứ 2 tiếng chị Tâm lại cho bé Yến Nhi ăn. Ảnh: Bảo Yến
Nhìn ánh mắt trìu mến và hành động chị tạm gác công việc để chăm sóc bé Yến Nhi suốt thời gian qua thì có lẽ không có lời nào để diễn tả hết được tình cảm của chị dành cho bé.
“Lúc ở đây mọi người cũng giúp đỡ nhiều nhưng mọi việc đều vẫn do mình làm bảo hộ. Sắp tới đây chắc mình phải về ít ngày để sắp xếp công việc ở nhà. Việc mình về mấy ngày đó còn chưa có ai để chăm sóc cho con là điều khiến mình lo lắng nhất. Nếu có ai có thể túc trực thường xuyên bên con thì tốt, chứ mỗi người một ngày chia nhau ra sợ cũng khó vì không quen việc” – chị Tâm lo lắng.
“Sau này khi bé được ổn định nếu được sự cho phép của gia đình con thì mình sẽ đưa con về chăm sóc. Mình cũng sẽ nhận anh Lư về làm việc cho gia đình mình cũng tiện cho anh có thể ở bên con gái”, chị Tâm chia sẻ.