Vào hồi 17h ngày 2.7, tại khu vực cầu Pác Hoóc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn lũ cuốn trôi 4 sinh viên tình nguyện của trường Đại học Ngoại thương.
Theo thông tin ban đầu, các sinh viên tắm tại khu vực đập tràn, không may 4 sinh viên bị lũ cuốn trôi, 1 sinh viên đã được cứu thoát, còn 3 sinh viên vẫn đang mất tích. Hiện tại các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.
Hiện trường đập tràn nơi 3 sinh viên bị lũ cuốn trôi.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cùng với lãnh đạo huyện Bình Liêu, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Tỉnh đoàn đến hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, tập trung lực lượng kịp thời tiến hành các biện pháp tìm kiếm sinh viên mất tích.
Lực lượng thợ lặn chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường để tìm kiếm các sinh viên mất tích.
Đến khoảng 21h30, đã huy động được vài trăm người tìm kiếm dọc con suối Bình Liêu. Lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp cũng đã có mặt tham gia tìm kiếm. Hiện tại trời tối, nước đục và xoáy nên việc tìm kiếm đang diễn ra hết sức khó khăn.
Hàng trăm người được huy động để tìm kiếm dọc con suối.
Khoảng 22h Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Đoàn tình nguyện của trường Đại học Ngoại thương có 21 thành viên. Trước khi đến tình nguyện tại Bình Liêu đoàn đã liên hệ trực tiếp và đến thẳng xã. Do huyện đoàn Bình Liêu đang dốc hết sức vào tìm kiếm nên chưa kịp báo cáo lịch trình tình nguyện của đoàn tình nguyện trường Đại học Ngoại thương theo yêu cầu của Tỉnh đoàn Quảng Ninh. Hiện tại Phó bi thư tỉnh đoàn Quảng Ninh Vũ Thị Diệu Linh đang cùng Trường đại học Ngoại thương đến vị trí gặp nạn để phối hợp công tác tìm kiếm 3 sinh viên mất tích.
Theo ông Mai Vũ Tuấn - Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, lực lượng cứu hộ chính của huyện gồm hơn 100 người đang phối hợp với lực lượng chi viện của Huyện đội Tiên Yên cùng các lực lượng của tỉnh đang tiến hành khơi dòng chảy ở đập Pác Hooc để rút bớt mực nước, đồng thời dùng lưới để chặn dưới chân đập.
Vào lúc 1h sáng (3.7), lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 1 nạn nhân đã tử vong. Ngay sau khi đưa lên bờ, xe cứu thương đã đưa thi thể nạn nhân về bệnh viện huyện Bình Liêu. Tại thời điểm này mưa đang đổ xuống như trút nước. Tuy nhiên tại hiện trường cả trăm người vẫn thay nhau ngụp lặn, dò kiếm 2 nạn nhân còn lại.
Lực lượng cứu nạn đang tiến hành đưa thi thể 1 nạn nhân lên bờ.
Lúc 1h20, lực lượng cứu nạn tiếp tục tìm thấy 1 nạn nhân nữa. Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện đã chỉ đạo, bằng mọi nỗ lực cũng phải tìm được cả 3 nạn nhân trước bình minh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện chỉ đạo tìm kiếm tại hiện trường. (Ảnh: QNP)
Khoảng 1h40, thi thể nạn nhân cuối cùng đã được đưa lên bờ và chuyển về nhà quàn tại bệnh viện Bình Liêu. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành nhanh chóng các thủ tục để đến sáng bàn giao thi thể 3 sinh viên về cho gia đình đưa về quê mai táng.
Đến trước thời điểm tìm thấy thi thể 3 sinh viên, tại hiện trường lúc nào cũng rất đông người hỗ trợ tìm kiếm.
***
Trước đó, trong 2 ngày 30.6 và 1.7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Với tổng lượng mưa 328,8mm đến 505,6mm khiến nhiều đường phố trên địa bàn thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà bị ngập lụt. Huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên cũng bị ảnh hưởng do lượng mưa hơn 100mmm.
Đài khí tượng Thủy văn Quảng Ninh và Trung tâm dự báo KTTV Trung ương dự báo đêm ngày 1.7 và ngày 2.7 toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, miền đông có mưa to và dông (trong cơn dông cần đề phòng có gió mạnh và sét).
Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng tại TP. Móng Cái trong ngày 1.7.
Nhiều đường phố của huyện Hải Hà bị ngập sâu sau trận mưa kéo dài từ ngày 30 và 1.7. (ảnh Ánh Hồng)
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu UBND các địa phương, các sở, ban, ngành đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lỡ các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp. Tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, đò dọc, kiên quyết không cho phương tiện, người qua lại khi có lũ xuất hiện. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trên biển để chủ động việc cấp phép hoạt động của tàu, thuyền đi ra các tuyến biển, đảo, nghỉ đêm trên Vịnh và thông tin cảnh báo cho các tàu, thuyền nghề cá biết để chủ động có các biện pháp phòng tránh.
DANH SÁCH 3 SINH VIÊN MẤT TÍCH: 1. Vũ Thị Xoa, Sinh năm 1996. Quê quán: Hải Dương 2. Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1997. Quê quán: Nghệ An 3. Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1997. Quê quán: Hà Nội |