Dân Việt

Làng quê Bắc Bộ: Con 60 tuổi lẩy bẩy chăm mẹ 90

02/08/2011 15:38 GMT+7
(Dân Viêt) - Tại nhiều làng quê Bắc Bộ hiện nay, thanh niên tha phương đi kiếm ăn nơi xa, bỏ lại miền quê toàn người già, trẻ nhỏ. Hệ lụy của nó tác động dây chuyền tới nhiều vấn đề xã hội khác.

Thái Bình là tỉnh thuần nông, nhưng hiện đang là tỉnh có tỷ lệ dân số già cao nhất cả nước, với 14% (tỷ lệ chung là 9,4%). Nhìn từ xã Phong Châu (huyện Đông Hưng)- xã thuần nông điển hình càng thấy sự già hoá nhanh tới mức nào.

img
Phóng viên (phải) trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Hưu (82 tuổi, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu) ở một mình.

Già chăm già

Trong căn nhà của anh Đào Xuân Hợp (52 tuổi, thôn Khuốc Tây, xã Phong Châu) chỉ còn ông già, bà lão. Bà lão móm mém, đầu cắt trọc tếu là mẹ đẻ anh, đã 83 tuổi. Phía trong buồng là một bà cụ nằm liệt, mọi sinh hoạt đều cần tới sự chăm sóc tại chỗ của con cháu. Đó là mẹ vợ anh, 91 tuổi. Một ông anh vợ từ Nam ra thăm mẹ cũng đã ngoài 60.

Anh Hợp sinh được 3 cô con gái, đều đã lấy chồng làng bên nhưng vẫn còn ruộng ở nhà. Đến vụ gặt, cấy thì ào về làm rồi lại kéo nhau đi. Anh Hợp cũng mới về được mấy ngày để phụ giúp vợ việc đồng áng, còn khi nông nhàn, anh đi làm phu hồ trên thành phố. “Nhà tôi còn may chán vì các con gần nhà nên còn đảo qua thăm ông bà, bố mẹ” – anh Hợp cho biết.

Ở một ngõ khác, cụ bà Nguyễn Thị Hưu (82 tuổi, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu) sống một mình trong căn nhà cổ. Cụ sinh được 3 người con, 1 trai, 2 gái đều đã lấy vợ, lấy chồng, sinh sống cách nhà cụ vài cây số. Chồng cụ mất cách đây 2 năm nhưng đời sống các con đều khó khăn nên cụ không muốn là gánh nặng cho con nào. Cụ sống trong mái nhà tuềnh toàng của mình, ngày ngày vẫn chống gậy, lần ra bếp tự nấu ăn, tắm giặt.

Cụ Nguyễn Văn Châm (83 tuổi, thôn Khuốc Đông) đang ở nhà với vợ (81 tuổi) và đứa cháu trai 11 tuổi. Các con đi làm cả ngày, hai cụ già yếu cứ run rẩy chạy từ buồng ra phòng khách chứ chẳng dám đi đâu vì sợ ngã. Hai cụ có hơn 2 sào ruộng nhưng không còn sức cấy cày nên nhường cho các con làm, mỗi vụ con trả cho hơn 1 tạ thóc. “Đủ ăn nhưng các khoản tiền sinh hoạt, thuốc men đều trông vào sự chu cấp của con. Nếu con nghèo thì bố mẹ cũng chịu” – cụ Châm cho biết.

Sinh hoạt tập thể nghèo nàn

Theo bà Phạm Thị Hoè – cán bộ dân số KHHGĐ xã Phong Châu, toàn xã có hơn 6.246 khẩu thì thường xuyên có hơn 400 người đi làm ăn xa. Họ đều là những người trẻ khoảng 45 tuổi trở xuống, đa số là nam giới. Vì thế, xã chỉ còn rớt lại trẻ em, phụ nữ, người trung và cao tuổi. Hiện Phong Châu có 908 cụ trên 60 tuổi, chiếm 14,5%. Có 191 cụ trên 80 tuổi.

Năm 2010, số người cao tuổi (NCT) của nước ta là 9,4%. Dự báo tỷ lệ NCT nước ta sẽ tăng lên 26% vào năm 2050. 70% người già nông thôn phải sống dựa vào con cháu. Nhiều NCT lâm vào tình cảnh nghèo khó, cô đơn, không nơi nương tựa. Vì thế, chăm sóc NCT cần phải dựa vào cộng đồng.

Tới xã này, chúng tôi nhận thấy, trong xã có nhiều cụ trên 80 tuổi sống một mình vì không muốn phiền lụy đến con cháu. Cả xã có hơn 900 bô lão nhưng phong trào người cao tuổi không có nhiều hoạt động.

Trước còn có CLB Thơ, CLB Dưỡng sinh, nhưng sau các cụ yếu cả, chẳng mấy khi hoạt động nữa. “Giá như có nơi tụ tập để bạn già vui với nhau thì tốt. Chúng tôi chẳng cần gì nhiều ngoài việc có người trò chuyện, chia sẻ” – cụ Châm run run.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2010, dân số Thái Bình là 1,8 triệu người. “Con số đúng phải là 1,9 triệu người cơ. Nhưng chúng tôi bị hụt 100.000 người vì đi làm ăn xa” – bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Thái Bình cho biết. Chính vì thế, tỷ lệ người già tính theo dân số thực tế có thể còn cao hơn con số 14% rất nhiều.

Để đối phó với tình hình già hóa nhanh chóng, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, tỉnh Thái Bình đang được Tổng cục Dân số cấp kinh phí xây dựng thí điểm 6 mô hình Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại xã. Tỉnh bỏ kinh phí làm thêm 3 mô hình nữa. Chi cục đang cho điều tra số liệu để xây dựng mô hình cho sát với thực tế.

“Tuy nhiên, chi phí chăm sóc, khám chữa bệnh cho người cao tuổi không nhỏ, thu nhập của người dân thấp, chúng tôi lúng túng về kinh phí để duy trì hoạt động sau này” – bà Huệ cho biết.

Bài 2: Gánh nặng đè vai phụ nữ