Theo cựu Tổng tham mựu Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, ông Viktor Esin, Sarmat sẽ thay thế tên lửa đạn đạo lớn nhất thế giới đang phục vụ trong quân đội Nga RS-20V Voevoda.
“RS-20V Voevoda đã ở trong biên chế quân đội Nga trong 25 năm qua. Nó có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân đi tấn công mục tiêu ở khoảng cách 11.000km. Do đó, đây chính là vũ khí đảm bảo sự đáp trả của Nga trong trường hợp bị tấn công phủ đầu bởi một quốc gia khác. Tuy nhiên, RS-20V Voevoda vẫn cần phải được thay thế. Những yêu cầu hàng đầu cho thế hệ tên lửa mới đó chính là khả năng tối ưu hóa nhiên liệu và vượt qua được các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ”, ông Esin cho biết.
Theo ông Esin, tên lửa liên lục địa mới của Nga sẽ có khả năng tấn công mục tiêu bằng cách phóng qua cả cực Bắc và cực Nam của Trái Đất và để làm được điều này, tầm bắn của nó cần lớn hơn nhiều so với các thế hệ tên lửa cũ.
Tên lửa Sarmat của Nga sẽ được triển khai từ hầm phóng cố định
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng khẳng định rằng, tên lửa Sarmat sẽ có tầm bắn ít nhất 11.000km, từ đó, nhiều chuyên gia khoa học quân sự đã tin rằng, điều này đạt được là do Sarmat đã được cải tiến thiết kế và sử dụng một loại nhiên liệu mới. Tuy nhiên, ngay cả khi tính toán được điều này, Nga vẫn cần phải nhìn thấy tận mắt liệu Sarmat có thể vươn sang nửa bên kia của bán cầu hay không.
Thông thường, các tên lửa của Nga sẽ được phóng từ khu thử nghiệm Plesetsk và đi tới vùng Kura, miền nam nước này, tuy nhiên, điều này chỉ thích hợp cho những tên lửa có tầm bắn nhỏ hơn 7.000km, trong khi đó, rất nhiều tên lửa của Nga đã có tầm bắn có thể bay được quãng đường lên tới 12.000km. Chính vì vậy, để thử nghiệm Sarmat, Nga đang có kế hoạch phóng nó từ một khu vực nằm ở phía bắc đất nước tới mục tiêu nằm ở nơi nào đó gần quần đảo Hawaii. Theo ông Esin, đây là một bài thử nghiệm khó khăn nhưng cần thiết.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga phóng tên lửa đạn đạo của mình đi xa như vậy. Trong cuộc tập trận Stability 2008, Nga đã từng sử dụng tàu ngầm để phóng thử tên lửa R-29RMU2 Sineva từ biển Barents đến khu vực phía tây Hawaii. Tên lửa này đã hoàn thành quãng đường 11.500km và lập kỉ lục thế giới về khoảng cách xa nhất mà một tên lửa đạn đạo từng di chuyển qua.
Tên lửa Sarmat có tổng trọng lượng lên đến 100 tấn, mang được từ 10 đến 15 các đầu đạn dẫn hướng độc lập. Đây là vũ khí được Nga sản xuất để làm đối trọng với chương trình “tấn công toàn cầu chớp nhoáng” của Mỹ.