Dân Việt

Đề nghị tăng ngân sách bảo vệ môi trường lên 2%

19/11/2010 16:13 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là đề xuất của Bộ TN&MT cho giai đoạn 2011-2015, được đưa ra tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3, tổ chức ở Hà Nội ngày 18-11.
img
Nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề vẫn được bơm tưới cho cây trồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Xuân Trường

Theo ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường, từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường cấp thiết, cần phải tăng chi ngân sách.

Thiếu tiền hay đầu tư dàn trải?

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều chỉ tiêu về môi trường không đạt. Ông Bùi Cách Tuyến cho rằng, đầu tư cho bảo vệ môi trường (BVMT) mặc dù có bước chuyển biến tích cực nhưng còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

img Nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá đắt khi phát triển kinh tế mà không chú ý đến chất lượng tăng trưởng, trong đó BVMT là thước đo đánh giá cho sự phát triển bền vững. img

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Chi cho sự nghiệp BVMT ở Việt Nam mới đạt 1% tổng chi ngân sách từ năm 2006, trong khi đó ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm 3-4%. Vẫn theo ông Tuyến, BVMT trong bối cảnh mới, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường cấp thiết, cần phải tăng chi ngân sách.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải, kinh phí là yếu tố quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả. Việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong công tác BVMT khiến việc thực hiện các chỉ tiêu hiệu quả thấp.

Hơn nữa, ông Khải còn chỉ rõ: “Cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở cấp T.Ư và địa phương còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn thấp. Ngoài ra việc quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT) còn nhiều bất cập.

Nhiều KCN được quy hoạch sát với đô thị, các dòng sông, trục giao thông và các khu vực nhạy cảm về môi trường… Cơ sở hạ tầng cấp thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, chất thải của hầu hết các KCN, KĐT đều không đáp ứng nhu cầu BVMT. Trong số các KCN hiện nay, có 74 KCN đã đầu tư và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý chất thải tập trung, 22 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại 75 KCN đang hoạt động nhưng không có công trình xử lý nước thải".

Tăng chi liệu có tăng hiệu quả?

Về đề xuất tăng chi ngân sách cho sự nghiệp BVMT, ông Trương Vĩnh Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thực tế hiện nay, nguồn vốn cấp cho ngành môi trường vẫn còn thấp, nhưng trước mắt, ngành phải sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn vốn này.

"Nếu sử dụng tiết kiệm, đầu tư đúng hướng mà 1% chi ngân sách chưa đủ, không đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra thì có thể trình Quốc hội lên 1,2% hoặc 1,3; 1,4%, thậm chí có thể lên tới 2%"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với việc biểu dương và đánh giá cao những thành tựu đạt được trong công tác BVMT, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: “Cần thẳng thắn nhìn thẳng vào một số hạn chế, yếu kém. "Tăng mức chi cho sự nghiệp BVMT cần phải cải thiện được chất lượng môi trường hướng đến một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tăng thụ hưởng cho người dân. Muốn vậy, trong thời gian tới ngành môi trường cần hướng đến những mục tiêu thiết thực hơn, cụ thể hơn".