Dân Việt

Mẹ tôi muốn..lấy chồng ở tuổi 55

Phương Ngọc (ghi) 04/07/2016 07:43 GMT+7
Bố tôi mất sớm, mẹ tôi đã ở vậy gần 20 năm để nuôi hai đứa con gái ăn học nên người.

Khi bố tôi mất, mẹ mới 35 tuổi. Dù có bao người theo đuổi, mẹ vẫn nén lòng ở vậy nuôi con. Những năm tháng khó khăn, ban ngày mẹ làm việc cơ quan còn ban đêm đi bán xôi, rửa bát để lấy tiền cho chị em tôi ăn học.

Ở tuổi 55 mẹ tôi bắt đầu “nhàn”. Hai đứa con gái của mẹ đã có công ăn việc làm ổn định, lấy chồng gần nhà, có điều kiện chăm lo cho mẹ nhiều hơn. Tôi những tưởng từ đây mẹ an phận tuổi già, sống yên vui bên con bên cháu. Thế nhưng bỗng một ngày mẹ nói:  “Mẹ muốn tái hôn”.

img

Hình minh họa

Mẹ quen người đàn ông ấy trong câu câu lạc bộ hưu trí ở phường. Ông 62 tuổi, vợ cũ mất đã 7 năm. Ông đang sống chung nhà với vợ chồng đứa con trai và đứa cháu nội được gần 5 tuổi. Mẹ nói mẹ và ông ấy rất hợp nhau, thương nhau thật lòng nên muốn “danh chính ngôn thuận”.

Nghe mẹ thông báo, tôi là người phản đối đầu tiên. Tôi đưa ra 1001 lý do để khuyên mẹ không nên đi bước nữa. Nào là mẹ đã chắn chắn về nhân cách của ông ta chưa? Nếu lấy chồng mẹ sẽ rất vất vả trong vai trò làm bà, làm vợ, làm mẹ. Sống trong gia đình mới mẹ có được yên ấm lúc tuổi già? Tại sao mẹ đang an nhàn lại muốn  “chui đầu vào rọ”? …

Tôi thấy ê chề khi nghĩ đến lúc mẹ công khai mối quan hệ với người đàn ông sắp tới tuổi thất thập cổ lai hy. Khi ấy, khu phố, họ hàng, thông gia nhà tôi sẽ tha hồ bàn tán, còn chúng tôi không biết phải giấu mặt đi đâu?

Rồi tôi lôi kéo cả đứa em gái làm đồng minh. Hai chị em ra sức ngăn cản mẹ. Thấy chúng tôi phản ứng gay gắt, mẹ chỉ lặng im. Mẹ không nhắc đến chuyện lấy chồng sau lần chị em tôi vừa khóc vừa can ngăn mẹ. Nhưng tôi biết, sau lưng chúng tôi, mẹ và ông ấy vẫn “hẹn hò”.

Một sáng, tôi vừa thức giấc thì nhận được cuộc gọi của người hàng xóm: “Cháu vào viện đa khoa tỉnh ngay, mọi người đưa mẹ cháu đi cấp cứu rồi”. Rụng rời chân tay, tôi cùng chồng lao ngay vào viện. Nhìn mẹ tôi nằm mê man trên giường bệnh, tôi khóc òa như một đứa trẻ con.

Bác hàng xóm kể, khi bác sang gọi mẹ tôi đi thể dục sáng như thường ngày nhưng gọi mãi chẳng thấy mẹ tôi thưa. Trong khi ấy, điện trong nhà vẫn đang bật sáng. Linh tính có chuyện chẳng lành, bác gọi mấy người phá khóa vào thì thấy mẹ tôi sốt mê man, nằm bất tỉnh dưới sàn nhà. Hỏi mẹ tôi mới biết đêm hôm trước trời giông gió, mưa to. Lo mấy thùng rau sạch để dành cho cháu ăn bị hỏng, mẹ lên sân thượng che chắn và chuyển rau vào chỗ an toàn.  Ai dè mẹ cảm lạnh, trúng gió mà không ai biết. Trong lòng tôi thấy xót xa. Giá như mẹ không phải sống một mình… Ai sẽ lo cùng mẹ trong những đêm mưa gió khác?

Điều làm tôi vô cùng cảm động là trong những ngày mẹ tôi nằm viện, “bạn trai” của mẹ ngày nào cũng vào thăm hỏi, động viên. Ông còn nấu cháo cho mẹ tôi ăn, vắt cam cho mẹ tôi uống và mua báo mới đọc cho bà nghe mỗi ngày. Ông bảo chúng tôi cứ yên tâm đi làm để ông chăm bà, không phải lo gì cả. Nhìn ông bà bên nhau chị em tôi cũng thấy ấm lòng.

Suy nghĩ lại, tôi thấy mình đã thật ích kỷ khi ngăn cản mẹ đi bước nữa ở tuổi 55. Mẹ đã hy sinh cả quãng thanh xuân cho chị em tôi, bây giờ tuổi già mẹ có quyền sống cho chính mẹ. Mẹ xứng đáng được hưởng hạnh phúc, dù là hạnh phúc muộn màng. Sau khi mẹ ra viện, chị em tôi sẽ “tác hợp” cho bà.