Dân Việt

Khủng bố phát động làn sóng tấn công tự sát khắp thế giới

Phương Đăng 04/07/2016 16:44 GMT+7
Một kẻ đánh bom vừa nổ tung thân mình gần lãnh sự quán Mỹ ở Saudi Arabia hôm nay 4.7, đánh dấu làn sóng tấn công tự sát vào tháng lễ Ramadan, với các vụ khủng bố đẫm máu ở Iraq, Bangladesh, reo rắc chết chóc khắp thế giới.

img

Quận Karrada ở trung tâm thủ đô Baghdad, Iraq chìm trong biển lửa vì bị tấn công khủng bố ngày 2.7.

Bộ Nội vụ Saudi Arabia đã xác nhận, kẻ đánh bom tự sát đã nổ tung thân mình gần lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Jeddah vào rạng sáng hôm nay 4.7. Ngay trước vụ tấn công, các nhân viên an ninh đã phát hiện một người đàn ông đáng ngờ và lập tức tiếp cận để kiểm tra. Ngay khi các nhân viên an ninh tới gần, người đàn ông này đã kích nổ khối bom quấn quanh thân mình vào khoảng 2h15 (theo giờ địa phương). 2 nhân viên an ninh đã bị thương.

Vụ tấn công xảy ra ngay trước khi các tín đồ Hồi giáo thực hành các nghi thức của tháng lễ Ramadan. Vào tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

Hiện chưa rõ thủ phạm chịu trách nhiệm gây ra vụ tấn công. Các nhà điều tra Saudi Arabia đang ra sức điều tra vụ việc.

img

Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia

Vụ đánh bom tự sát gần lãnh sự quán Mỹ sáng nay đánh dấu làn sóng tấn công tự sát trùng vào tháng lễ Ramadan trên khắp thế giới, với các vụ khủng bố đẫm máu mới đây tại Bangladesh và Iraq.

Hôm 1.7 vừa qua, cả thế giới chấn động khi các tay súng xông vào tấn công một quán cà phê ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, sát hại ít nhất 22 người, trong đó chủ yếu là người nước ngoài đến từ các quốc gia Ý, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

img

Giải cứu người bị thương trong vụ tấn công tại quán cà phê ở thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Ngay sau đó, tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan đã tuyên bố rằng những kẻ khủng bố đều là người Bangladesh và không có mối liên hệ với al–Qaeda hay IS. Ba tay súng bị tiêu diệt mới ở độ tuổi dưới 22, là công dân Bangladesh và đã mất tích từ 6 tháng trước đây.

Dù vậy, Animesh Roul, một chuyên gia phân tích cảnh báo, các nhóm Hồi giáo tại Bangladesh dường như đang có tiếp xúc thường xuyên với IS, mặc dù chưa có bằng chứng về việc IS đang hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm vũ trang tại Nam Á. Lời kêu gọi của chúng cũng đang nhận được sự ủng hộ tích cực của một số phần tử tại quốc gia có đông người Hồi giáo này. Tại Bangladesh, quốc gia có đông người Hồi giáo, gần đây cảnh sát đã bắt giữ được một số kẻ có liên quan đến việc tuyển mộ tay súng cho IS.

img

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.6

Một ngày sau tấn công chết chóc ở Bangladesh, người Iraq cũng phải hứng chịu "đêm đẫm máu" khi trung tâm thủ đô Baghdad hứng chịu vụ đánh bom kép giết chết ít nhất 130 người, trong đó có 25 trẻ em và 20 phụ nữ. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố đơn lẻ gây hậu quả nghiêm trọng nhất xảy ra tại Iraq trong vòng nhiều tháng qua.

Ngày 28.6, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rung chuyển bởi 3 vụ đánh bom tự sát và xả súng kinh hoàng xảy ra liên tiếp tại sân bay Ataturk, thành phố Istanbul, làm ít nhất 41 người thiệt mạng và 239 người bị thương.